Hiệu quả bước đầu của phiên tòa trực tuyến

06:44 - Chủ Nhật, 11/09/2022 Lượt xem: 7064 In bài viết

ĐBP -Tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến (XXTT) không chỉ tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí mà còn từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Một phiên toà xét xử trực tuyến tại huyện Mường Chà với điểm cầu thành phần là Công an huyện Mường Chà. Ảnh: C.T.V

Vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tuần Giáo đã tổ chức 4 phiên tòa hình sự sơ thẩm XXTT 4 bị cáo. Điểm cầu trung tâm là phòng xử án TAND huyện, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; các bị cáo tham gia phiên tòa tại điểm cầu là Nhà tạm giữ Công an huyện Tuần Giáo. Trong 4 vụ thì có 3 vụ với 3 bị cáo, mỗi bị cáo bị tuyên phạt 1 năm tù; vụ thứ 4, bị cáo bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù. Tất cả bị cáo đều phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Các phiên tòa XXTT được tổ chức trang nghiêm, đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bị cáo.

Từ tháng 2/2022 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã xét xử dưới hình thức trực tuyến 24 vụ, theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc Hội. Thực tế quá trình tổ chức các phiên tòa trực tuyến cho thấy, việc kết nối giữa điểm cầu trung tâm với các điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Theo Chánh án TAND tỉnh Phạm Văn Nam, việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến trước mắt sẽ mang lại những kết quả tích cực như: Công tác xét xử đã tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp. Việc thực hiện các phiên tòa XXTT bảo đảm không trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ huyện hay tỉnh để tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử. Bên cạnh đó, mặc dù tổ chức các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến nhưng trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.

Theo quy định, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Phiên tòa trực tuyến sẽ không được tổ chức trong các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan bí mật Nhà nước; án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Trong giai đoạn đầu thực hiện, các phiên tòa xét xử án hình sự sẽ lựa chọn xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. Đối với các vụ án hình sự phúc thẩm sẽ lựa chọn những vụ án bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình thì sẽ XXTT những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Có thể thấy, việc thực hiện phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; XXTT nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top