Kiên quyết phòng, chống tội phạm công nghệ cao

14:16 - Thứ Tư, 14/09/2022 Lượt xem: 6066 In bài viết

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tiếp nhận khá nhiều trường hợp người dân đến trình báo về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội. Mặc dù đây không phải là thủ đoạn lừa đảo mới và đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trong thời gian qua, nhưng nhiều trường hợp người dân do nhận thức cảnh giác chưa cao cho nên vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nên những bất ổn về an ninh xã hội.

Cuối tháng 6/2022, anh L.T.B.D, trú tại thành phố Pleiku trình báo đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai về việc mình là bị hại trong một vụ lừa đảo qua mạng. Theo anh D. ngày 12/5, anh nhận được điện thoại từ hai người phụ nữ tự xưng là nhân viên của Ngân hàng MB Bank. Hai phụ nữ này tư vấn và anh đồng ý thực hiện hủy thẻ tín dụng Mcredit của Ngân hàng MB Bank, sau đó theo yêu cầu của các đối tượng, anh D. gửi mã xác thực OTP để hủy thẻ và bị chiếm đoạt gần 70 triệu đồng.

Vào ngày 2/5, anh T.V.T. (SN 1992, trú thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) đến Công an huyện Đắk Đoa trình báo việc trưa 1/5, anh T. thấy trên tài khoản “Facebook Minh Cường” đăng bán một xe Exciter đời 2017 với giá 30 triệu đồng. Anh T. liên lạc với Facebook Minh Cường để thống nhất phương thức mua xe và chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Lê Triệu Duy để làm thủ tục sang tên đổi chủ và giao xe cho anh T.

Đến tối cùng ngày, Facebook Minh Cường tiếp tục liên lạc với anh T. bảo chuyển thêm 30 triệu đồng với lý do “... giao dịch chuyển tiền trước đó bị lỗi”. Anh T. tin tưởng nên đã chuyển khoản tiếp 30 triệu đồng cho đối tượng. Sau khi chuyển tổng cộng 60 triệu, anh T. đợi không thấy xe giao đến cho mình theo cam kết, liên lạc với “Facebook Minh Cường” không được cho nên đã đến trình báo với cơ quan chức năng.

Ngày 19/4, chị N. trú tại thành phố Pleiku nhận được cuộc gọi của một người đàn ông xưng là cán bộ viễn thông tại Đà Nẵng, thông báo chị đang nợ cước điện thoại trả sau. Người này đã yêu cầu chị N. cung cấp thông tin cá nhân để kiểm tra, xác minh và yêu cầu chị N. trả lời điện thoại của nhiều người tự xưng là cán bộ công an, cán bộ viện kiểm sát… có liên quan vụ việc.

Trong lúc tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, chị N. đã gửi số tài khoản, mã OTP ngân hàng và bị chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng. Theo chị N, những đối tượng này sử dụng nhiều số điện thoại gọi điện liên tục, yêu cầu phải nghe máy và làm theo, cũng như không được nói với ai, kể cả người thân. Chúng còn đe dọa, cho rằng chị đang liên quan “tội phạm xuyên quốc gia”(!), có hành vi rửa tiền đang bị truy nã cho nên phải hợp tác điều tra...

Tháng 4/2022, chị H. trú tại thành phố Pleiku, đọc tin quảng cáo trên Facebook “Nhận dạy việc làm 88” - tuyển cộng tác viên Shopee và hướng dẫn truy cập vào trang web lạ. Sau khi được nhân viên chăm sóc khách hàng tên My tư vấn việc làm với hình thức chọn đơn hàng để hưởng hoa hồng, chị H. tin tưởng làm theo. Khi chị H. chuyển hơn 180 triệu đồng thì mới biết mình đã bị lừa.

Theo ghi nhận của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận hơn 30 trường hợp công dân đến trình báo về việc bị đối tượng sử dụng mạng điện tử, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền lên đến hơn 22 tỷ đồng; trong đó có những người bị chiếm đoạt số tiền lớn.

Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng là gọi điện đến số máy của các bị hại tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, hay mạo danh là nhân viên của công ty viễn thông, hoặc là người mời tham gia làm cộng tác viên bình chọn các nhãn hàng trên trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Nhiều bị hại do tâm lý lo sợ (nhất là những vụ việc liên quan các cơ quan đại diện pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án…) đã cung cấp các thông tin, nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Trở lại trường hợp anh L.T.B.D bị lừa đảo chiếm dụng gần 70 triệu đồng, qua quá trình xác minh, điều tra, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định nhóm đối tượng thực hiện hành vi nêu trên đều trú tại đường 14, phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nên phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh truy tìm và đến ngày 2/8, ba đối tượng là Nguyễn Văn Độ (SN 1995); Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 1998); Nguyễn Ngọc Linh (SN 2001), cùng trú thành phố Thủ Đức đến công an trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo khai nhận, các đối tượng chủ động liên hệ với anh L.T.B.D tư vấn hủy thẻ tín dụng MB Bank (thực chất các đối tượng không làm được việc này) nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hầu hết nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ cao tại Gia Lai là phụ nữ. Số tiền bị chiếm đoạt của mỗi người từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng; trong đó có nạn nhân bị lừa lên tới 10,1 tỷ đồng.

Qua các vụ việc nêu trên, Trung tá Đinh Văn Sơn khuyến cáo người dân cần thường xuyên đề cao cảnh giác với những lời mời của các đối tượng trên mạng xã hội; cần nắm vững quy định của các cơ quan tiến hành tố tụng khi làm việc với công dân thì đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập, thông qua công an xã, phường, không gửi qua nền tảng mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân; thường xuyên kiểm tra bảo mật của các tài khoản mạng xã hội, không cung cấp, chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, mã xác nhận OTP của các giao dịch cho bất kỳ ai.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top