Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

07:56 - Thứ Hai, 07/11/2022 Lượt xem: 8492 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao (TPCNC), song nhiều người dân vẫn chủ quan, mất cảnh giác và không ít trường hợp bị sập bẫy trở thành nạn nhân của tội phạm này. Cá biệt có trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.

Công an TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn phường Tân Thanh biết và phòng tránh các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao.

Thủ đoạn của loại TPCNC ngày càng tinh vi, hoạt động xuyên quốc gia đã gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian qua thường xuyên nhận được những tin nhắn quảng cáo mời chào vay tiền, trúng thưởng; thậm chí có những cuộc gọi giả danh là nhân viên ngân hàng, bưu điện, công an, hải quan… với nhiều nội dung khác nhau, như nộp tiền nhận bưu kiện, quà, nộp tiền vi phạm giao thông, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Nhiều người do thiếu kiến thức đã trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo này.

Như trường hợp chị N.T.V. đã bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng qua mạng xã hội facebook. Cuối năm 2020, chị V. đã kết bạn với tài khoản S (tên nước ngoài) trên mạng xã hội facebook. Sau đó tài khoản S nhắn tin cho chị V. với nội dung đang chuyển về Việt Nam cho chị một gói quà. Ngay lập tức chị V. nhận được cuộc gọi điện thoại, tự xưng nhân viên hải quan và yêu cầu chị phải chuyển số tiền 24 triệu đồng để nhận hàng và nhắn tin số tài khoản nhận tiền. Sau khi chị V. chuyển tiền vào số tài khoản trên, các đối tượng đã nhiều lần gọi điện, yêu cầu chị chuyển tiền tiếp với nhiều lý do khác nhau (tổng số tiền chị V. đã chuyển hơn 500 triệu đồng). Lần cuối cùng các đối tượng gọi điện yêu cầu chị chuyển tiếp số tiền 80 triệu đồng để nhận bưu kiện, chị V. thấy nghi ngờ và gọi điện lại nhưng không liên lạc được, nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên, qua xác minh người đứng tên các tài khoản nhận tiền đều không biết có các tài khoản này. Trong khi đó, việc xác định tài khoản facebook S. nhưng không xác định được nhân thân, lai lịch của chủ tài khoản do tài khoản được xác định ở nước ngoài.

Theo nhận định của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), hoạt động của TPCNC thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường, với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Như trên lĩnh vực an ninh quốc gia, đã phát hiện các đối tượng phản động, thế lực thù địch lợi dụng mạng internet để xuyên tạc, tuyên truyền thông tin xấu độc, sai sự thật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên lĩnh vực trật tự xã hội, các đối tượng lợi dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, như tạo tài khoản facebook giả, làm quen, lừa gửi quà tặng, sau đó yêu cầu nộp tiền phí để chiếm đoạt tiền; hoặc mời chào tham gia các gói đầu tư vào các dự án tài chính, ngân hàng, đầu tư tiền ảo... với cam kết sinh lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tiền đầu tư; đăng tải thông tin giả kèm theo số tài khoản kêu gọi từ thiện, ủng hộ từ cộng đồng mạng.

Đơn cử, ngày 21/6/2022, tài khoản có tên Nguyễn Phương Nga đã đăng tải lên trang facebook với nội dung: “Con gái anh Đỗ Minh Hậu là Đỗ Diệu Linh, trú tại xã Ta Ma, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) bị bỏng nặng và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, để kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền đưa cháu đi chữa bệnh tại Hà Nội”. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan chức năng, trên địa bàn xã Ta Ma không có trường hợp như thông tin nêu trên. Các thông tin được đăng tải là không đúng sự thật; tài khoản facebook đăng tải thông tin và tài khoản để nhận tiền đều là những tài khoản ảo. Các đối tượng sử dụng các hình ảnh cắt ghép, nhằm gây sự thương hại từ cộng đồng mạng, từ đó chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng định sẵn để chiếm đoạt.

Nạn nhân của TPCNC thậm chí có cả cán bộ, viên chức Nhà nước. Nhiều bị hại khi sập bẫy vì e ngại đã không trình báo cơ quan chức năng nên gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nâng cao hiểu biết, nhận diện những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng internet, mạng xã hội đang là giải pháp được Công an tỉnh chú trọng để đấu tranh đối với TPCNC. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng khuyến cáo người dân về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo phổ biến qua không gian mạng của các đối tượng phạm tội; kịp thời thông báo cho cơ quan công an khi phát hiện dấu hiệu phạm tội của loại đối tượng này. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phát trên hệ thống loa truyền thanh và các nền tảng mạng xã hội; công an các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công an cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh đăng tải nội dung này trên các nền tảng mạng xã hội.

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần đề cao cảnh giác, đặc biệt không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Đồng thời, cần cảnh giác, không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Người dân khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch; thận trọng khi nhận các thư điện tử; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan; không nên vay tiền qua các App trên điện thoại để tránh những hậu quả xấu.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top