Nâng cao chất lượng công tác xét xử

09:28 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 6870 In bài viết

ĐBP - Với lượng án thụ lý ngày một tăng, khối lượng công việc càng nhiều, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng từ công tác chỉ đạo, điều hành đến chuyên môn, nghiệp vụ xét xử theo hướng đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.

Một phiên tòa được xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp của TAND 2 cấp tỉnh Điện Biên. Ảnh: C.T.V

TAND tỉnh luôn quán triệt nghiêm túc sự chỉ đạo của TAND tối cao, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về nâng cao chất lượng xét xử đến tất cả cán bộ, công chức, hội thẩm nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, cùng đề cao trách nhiệm. Tập trung 14 giải pháp của TAND tối cao và 5 giải pháp của TAND tỉnh về nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong thực thi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, TAND hai cấp đã triển khai sát với tình hình thực tế, đáp ứng lộ trình cải cách tư pháp.

Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả 14 giải pháp của TAND tối cao, trong đó có công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, TAND tỉnh đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ; triển khai nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Tổ chức 99 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó TAND tỉnh 22 phiên tòa; TAND cấp huyện 77 phiên tòa; tổ chức xét xử trực tuyến 42 phiên tòa (trong đó 4 phiên tòa phúc thẩm, 38 phiên tòa sơ thẩm). Ngoài ra, TAND tỉnh còn tổ chức 1 phiên tòa rút kinh nghiệm chuyên đề theo Chương trình số 04-CTr/BCĐ ngày 9/12/2021 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022. Từ đó góp phần củng cố kiến thức, bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức xét xử cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm, thư ký và thẩm tra viên.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, TAND hai cấp luôn chú trọng giải pháp đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp cả về nội dung và hình thức. TAND tỉnh chỉ đạo tổ chức các phiên tòa bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm các bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng. Các phán quyết của tòa án phải trên cơ sở pháp luật, các tình tiết, chứng cứ, lập luận đã được kiểm tra, xem xét, kết luận toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa. Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, không thiên vị và định kiến.

Để nâng cao chất lượng xét xử thì việc nâng cao chất lượng bản án là điều bắt buộc. Bởi bản án là văn bản tố tụng của tòa án thể hiện thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể. Chính vì vậy, TAND tỉnh tập huấn kỹ năng viết bản án; tổ chức phong trào thi đua về “Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án”. Thực hiện công khai bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án nhằm tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động xét xử, góp phần tuyên truyền pháp luật bằng những vụ việc, những sự kiện pháp lý cụ thể. Đây có thể nói là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm giúp cho đội ngũ thẩm phán thận trọng, công khai, minh bạch trong công tác xét xử. Đặc biệt, TAND hai cấp luôn tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường phối hợp trong giải quyết án.

Những giải pháp trên đã giúp cho thẩm phán nhận thức rõ, đầy đủ hơn đối với từng vụ án và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, nâng cao chất lượng công tác xét xử. Năm 2022, tổng thụ lý trên toàn tỉnh là 2.885 vụ, việc các loại; đã giải quyết 2.759 vụ, việc (đạt tỷ lệ 95,63%). Công tác giải quyết, xét xử các loại án của TAND hai cấp tỉnh luôn đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, không có vụ án nào để quá hạn luật định. Xét xử án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án nào xét xử bị oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình... đảm bảo đúng thời hạn quy định của pháp luật.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top