Xây dựng xã biên giới “sạch về ma túy”

09:48 - Thứ Hai, 04/09/2023 Lượt xem: 7319 In bài viết

ĐBP - Nhằm phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa nguồn ma túy thẩm lậu qua biên giới vào tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Ðiện Biên ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước, Công an tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy”. Mặc dù mới triển khai thời gian ngắn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, nhiều xã đã “sạch” và cơ bản “sạch” ma túy.

Bài 1: Phòng ngừa từ sớm, từ xa

Mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” được Công an tỉnh Ðiện Biên triển khai tại 8 xã thuộc 4 huyện biên giới (Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên và Mường Chà). Ban Chỉ đạo xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” các huyện, xã đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu là công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Xã Mường Pồn ra mắt mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy”.

Trọng điểm về ma túy

Ðiện Biên có hai tuyến biên giới tiếp giáp Lào và Trung Quốc, với chiều dài hơn 455,5km trải dài trên địa bàn 29 xã biên giới. Các xã biên giới có diện tích lớn, địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư sinh sống không tập trung, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế; đời sống còn khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh Ðiện Biên gần “rốn” ma túy Tam Giác Vàng có nhiều đường mòn trên biên giới. Những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để hoạt động buôn bán, thẩm lậu ma túy vào Ðiện Biên và đưa đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ.

Ðã có rất nhiều đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia với số lượng lên đến hàng trăm bánh hêrôin bị các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá. Ðường dây này bị bóc gỡ, đường dây khác lại trồi lên; ông chủ này bị bắt lập tức có ông chủ khác thay thế; lớp “cửu vạn” cũ (vận chuyển ma túy thuê) “về hưu” thì lại xuất hiện lớp “cửu vạn” trẻ... Từ năm 2020 đến nay, riêng lực lượng Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá 3.122 vụ, với hơn 3.500 đối tượng phạm tội về ma túy. Tang vật thu giữ gần 400kg hêrôin, gần 300kg ma túy tổng hợp, 17kg ma túy đá, gần 25kg thuốc phiện… Trong đó, có những chuyên án thu giữ khối lượng lên đến hàng chục kilôgam ma túy.

Qua rà soát, có 21/29 xã biên giới được xác định trọng điểm phức tạp về ma túy; gồm 4 xã trọng điểm loại I; 6 xã trọng điểm loại II và 11 xã trọng điểm loại III. Trước tình hình đó, cuối năm 2022, Công an tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” tại 8 xã: Mường Pồn, Hua Thanh (huyện Ðiện Biên); Mường Mươn, Ma Thì Hồ (Mường Chà); Nậm Kè, Leng Su Sìn (Mường Nhé) và Chà Nưa, Phìn Hồ (Nậm Pồ).

Tuyên truyền đi trước

Xác định lấy phòng ngừa là chính, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành và Nhân dân ở khu vực biên giới. 100% xã tham gia mô hình phải tổ chức tuyên truyền tập trung ít nhất 1 lần/tháng tại mỗi thôn, bản; duy trì ít nhất 1 mô hình tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại mỗi thôn, bản.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) cho biết: Mường Pồn  là xã biên giới trọng điểm về ma túy loại II. Thực hiện mô hình, 11/11 bản đã thành lập tổ tự quản với 134 thành viên và lắp đặt 11 hòm thư tố giác tội phạm tại các bản. Ðặc biệt, công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trên hệ thống truyền thanh của xã, bản được thực hiện 2 lần/ngày. Ðến nay xã đã phối hợp tổ chức 47 buổi tuyên truyền tại 11 thôn bản, với gần 4.000 lượt người tham dự; tổ chức tuyên truyền cho gần 600 lượt học sinh, giáo viên trên địa bàn về phòng, chống ma túy. Treo panô, khẩu hiệu tại nhà văn hóa cộng đồng, khu vực trung tâm, đông dân cư...

Xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cũng là xã trọng điểm, phức tạp về ma túy. Ðại úy Lò Văn Dự, Phó trưởng Công an xã Phìn Hồ cho biết: Hàng tuần, Ban Chỉ đạo xã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho người dân; tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các đối tượng trong diện quản lý. Qua 6 tháng triển khai thực hiện mô hình, Công an xã đã tổ chức tuyên truyền 16 buổi tại 8/8 bản với 960 lượt người dân tham gia; tổ chức cho 702 hộ ký cam kết; phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy đến toàn thể giáo viên, công nhân viên, học sinh. Bên cạnh đó, xã thành lập và duy trì hiệu quả 8 mô hình “Bản an toàn, không tệ nạn ma túy” với 40 thành viên đại diện cho 788 hộ tham gia; tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”.

Ðến nay tại 8 xã đã thành lập các mô hình về phòng, chống ma túy tại các thôn bản, như: Xã Chà Nưa thành lập 6 mô hình “bản an toàn, không có tệ nạn ma túy”; xã Nậm Kè thành lập 11 tổ an ninh xung kích, tổ an ninh tự quản và lắp đặt 11 hòm thư tố giác tội phạm; xã Mường Mươn và Ma Thì Hồ thành lập 86 mô hình “tổ tự quản về an ninh trật tự tại cơ sở”... Ðã có gần 22.000 lượt người tham gia các buổi tuyên truyền phòng chống ma túy; duy trì hoạt động 8 đường dây nóng và 76 hòm thư tố giác tội phạm đặt tại các nhà văn hóa thôn, bản.

Bài 2: “Chặn cung, giảm cầu”

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top