Xét xử "vụ án sân bay": Đề nghị làm rõ chi phí đầu tư vào đất của 48 hộ công nhân

15:22 - Thứ Sáu, 22/09/2023 Lượt xem: 7218 In bài viết

ĐBP - Ngày 22/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên tiếp tục phần tranh tụng. Bị đơn dân sự (Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục tranh luận, đối đáp với đại diện Viện KSND tỉnh về xác minh lại chi phí đầu tư vào đất đối với 48 hộ công nhân được cho thuê giao khoán đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 17 hộ không trực tiếp sản xuất trên đất giao khoán.

Các luật sư đề nghị trưng cầu giám định lại biên bản giám định kết luận số 02.

Về xác minh chí phí đầu tư vào đất, quan điểm của Viện KSND tỉnh cho rằng, đối với 31 hộ công nhân được giao khoán đất và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu ổn định trên đất, trong quá trình canh tác trồng lúa nước công nhân chỉ thực hiện quy trình canh tác, như: cày, bừa, làm đất, bón phân, gieo cấy, làm cỏ… việc thực hiện được lặp đi lặp lại theo mỗi mùa vụ mà không đầu tư các chi phí mang tính chất lâu dài, như: san lấp mặt bằng, chống rung, sụt lún… Đối với 17 công nhân được giao khoán đất không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không có nguồn thu nhập ổn định trên diện tích được giao khoán và cho người khác mượn lại diện tích đất được giao khoán; việc cho mượn đất các công nhân không thu thêm chi phí nào, không báo cáo với công ty.

Đại diện các công nhân bị thu hồi đất khẳng định họ có đầu tư chi phí vào đất sản xuất.

Theo đại diện Viện KSND tỉnh, căn cứ biên bản giám định số 02, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của dự án là chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai. Việc bồi thường cây cối hoa màu tại Quyết định 27572/QĐ-UBND của UBND TP. Điện Biên Phủ; hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho các cá nhân nhận khoán nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không có nguồn thu nhập thường xuyên, liên tục từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp nhận khoán, người đã nghỉ hưu và chưa có xác nhận đối tượng sản xuất nông nghiệp của UBND xã, phường, thị trấn và bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho các cá nhân nhận khoán đất nông nghiệp là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Đối đáp với quan điểm của Viện KSND tỉnh, về phía bị đơn dân sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng: Biên bản giám định kết luận số 02 của Cục kinh tế và phát triển quỹ đất chưa khách quan, không trực tiếp lên Điện Biên xác minh, giám định mà chỉ giám định qua các tài liệu thu thập. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ, yêu cầu trưng cầu giám định kết luận 02 để xác minh các bị cáo có sai phạm trong việc lập phương án, đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân nhận giao khoán đất. Về phía những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, các luật sư cũng cho rằng: Những người được giao khoán đất trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp và có bỏ ra các chi phí đầu tư vào đất như: san ủi mặt bằng, phân bón, cải tạo… Đồng thời sẽ không hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ nếu cơ quan truy tố không đưa ra được các tài liệu chứng minh.

Ngoài ra, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Viện KSND tỉnh xác định lại tư cách tham gia tố tụng của bị đơn dân sự; viện dẫn, đưa ra các căn cứ chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm các bị cáo. Đồng thời, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được tại ngoại nếu tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo dự kiến, phiên toà sẽ kết thúc ngày 22/9, tuy nhiên do còn một số tình tiết chưa rõ nên Hội đồng xét xử kéo dài thời gian nghị án đến 9h sáng ngày mai (23/9).

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top