Ðừng lạc lối...

10:39 - Thứ Bảy, 30/09/2023 Lượt xem: 5728 In bài viết

ĐBP - Bản án số 76, ngày 30/5/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Ðiện Biên ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Bản án khép lại, song vẫn có bị cáo bị người khác tác động đến tâm lý, thân nhân bị cáo bị kích động mà có những biểu hiện “lạc lối”.

Lầu A Dùa được Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho gặp người thân ngay tại phòng xử án sau khi kết thúc phiên tòa.

Rừng thông trên đỉnh đèo Pha Ðin, thuộc địa phận xã Tỏa Tình được trồng từ năm 1997 do Nhà nước quản lý. Theo Kế hoạch số 388 ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Ðiện Biên về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 thì diện tích rừng này được trồng theo dự án 327 và dự án 661, mục đích sử dụng là rừng sản xuất. Ðến cuối năm 2018, diện tích rừng này được quy hoạch là rừng phòng hộ.

Ðể có một cây gỗ với đường kính 40cm thì phải mất khoảng 25 - 30 năm phát triển, thậm chí còn nhiều năm hơn thế, tùy từng loại cây. Nhưng để đốn hạ một cây gỗ như thế với sự hỗ trợ của cưa máy thì chỉ cần vài phút. Bởi thế, trong thời gian ngắn, 8,04ha rừng thông có tuổi đời từ 15 - 30 năm tại tiểu khu 618, khoảnh 16 địa bàn bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình đã không còn. Ðiều đáng nói là tiếp tay cho việc làm này lại có những con người nhân danh bảo vệ rừng như: Kiểm lâm viên, chủ tịch xã! Ai làm sai thì đã phải chịu hình phạt của cơ quan pháp luật, nhưng rất khó để có lại một rừng thông xanh ngút ngàn như thủa nào trên đỉnh đèo Pha Ðin huyền thoại.

Cuối tháng 5/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình. Tại bản án sơ thẩm số 76 của Tòa án Nhân dân tỉnh Ðiện Biên đã tuyên phạt 5 bị cáo với tổng hình phạt 150 tháng tù giam; trong đó bị cáo Lầu A  Dùa (cựu Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình) lĩnh án 30 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về quản lý rừng, quy định tại điểm c, khoản 3, Ðiều 233 Bộ luật Hình sự.

Không đồng ý với phán quyết tại bản án số 76, bị cáo Lầu A Dùa có đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, cho rằng bản án cấp sơ thẩm chưa đích đáng, mặc dù tại phiên xét xử sơ thẩm, Dùa đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Thực hiện quyền kháng cáo của bị cáo, ngày 18/9, tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Ðiện Biên, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Lầu A Dùa trong vụ án vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình. Tại phiên xét xử, Dùa liên tục kêu oan, rằng mình không trực tiếp phá rừng, không ký vào văn bản nào cho phép doanh nghiệp khai thác rừng; đề nghị cơ quan điều tra giám định, kiểm tra lại diện tích rừng đó có phải là rừng phòng hộ không... Phiên xét xử diễn ra công khai với tham dự của người thân và người dân xã Tỏa Tỉnh. Ðặc biệt, người thân của Lầu A Dùa có biểu hiện kích động mạnh. Khi Dùa đứng lên trả lời các câu hỏi của thẩm phán, từ phía cuối phòng xử án, mẹ của Dùa đã băng lên ôm lấy Dùa và cho rằng con mình bị oan, không chấp nhận việc con phải ngồi tù. Tất nhiên ngay lập tức bị lực lượng bảo vệ phiên tòa ngăn lại, đảm bảo ổn định trật tự cho phiên tòa được tiếp tục.

Dù liên tục kêu oan, nhưng khi tòa hỏi là một chủ tịch xã thì bị cáo làm những gì? Khi người ta khai thác rừng thì bị cáo ở đâu, bị cáo có biết không? Bị cáo có biết việc khai thác rừng khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng là sai không? Tại sao biết mà không ngăn cản, đình chỉ, báo cáo lên cơ quan cấp trên? Dùa đã bối rối không trả lời được.

Sau khi nghe hội đồng xét xử phân tích về hành vi phạm tội, vai trò trách nhiệm của bị cáo trong vụ án, Dùa đã nhận thấy tòa sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Nhận thấy hành vi của mình là sai trái, Dùa không kêu oan nữa mà xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được rút yêu cầu kháng cáo, không yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét giải quyết. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu rút kháng cáo của bị cáo Lầu A Dùa và ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Ðược biết, nhận thức chưa đầy đủ của Lầu A Dùa sau phiên xét xử sơ thẩm, đặc biệt là những suy nghĩ, hành động chưa đúng tại phiên xét xử phúc thẩm của người thân, gia đình Lầu A Dùa là do bị một số đối tượng kích động. Kháng cáo là quyền của mỗi bị cáo sau phiên sơ thẩm, nhưng xin đừng bị kích động mà “lạc lối” để có những hành động quá khích. Mỗi người đều phải sống và làm làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top