Lời sau cùng gửi lại

08:07 - Thứ Bảy, 28/10/2023 Lượt xem: 8620 In bài viết

ĐBP - Mỗi vụ xét xử, khi bị cáo nói lời sau cùng trước tòa là khoảnh khắc có lẽ thật lòng nhất, trắc ẩn nhất, để lại nhiều tâm tư nhất. Sau lời nói này, tòa nghị án và một bản án sẽ được tuyên! Cánh cổng cuộc đời tự do tạm khép lại, cánh cổng trại giam mở ra...

3 cậu cháu: Quàng Văn Dương, Cà Văn Tướng, Cà Văn Tiến tại phiên xét xử sơ thẩm với nhiều người thân tham sự phiên tòa.

Pháp luật tố tụng hình sự quy định bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa sau khi kết thúc tranh tụng. Ðiều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là lúc sự hối lỗi thể hiện với những khoảnh khắc nhiều cảm xúc. Lời sau cùng không chỉ là sự bộc bạch, giãi bày của bị cáo, mà nhiều khi còn mang ý nghĩa thức tỉnh nhiều người, những người đang đi trên con đường tội lỗi, hoặc có ý định vi phạm pháp luật, hãy biết tu chỉnh, đừng phạm tội như bị cáo đã phạm phải.

Một ngày giữa tháng 9/2023 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm Lưu Thị Thùa và Nguyễn Ngọc Ban cùng trú tại TP. Ðiện Biên Phủ trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Cả hai bị cáo đều ở tuổi 60 và có nhân thân xấu. Trước khi vào nghị án, hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. “Tuổi đã cao, thời gian bị cáo có mặt ở trên cuộc đời này không còn nhiều, lại đang có bệnh nặng, mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời. Vì mải chạy theo đồng tiền mà phạm pháp và bị cáo chưa làm được điều gì tốt đẹp cho con cháu. Xin bố mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này…” - bị cáo Lưu Thị Thùa đã nói những lời sau cùng như vậy trước tòa. Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Ban thì nói: “Cuộc đời không dài để cho con người được phép sai lầm nhiều lần. Bị cáo mong những ai đang có ý định vi phạm - mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thì dừng lại, đừng như tôi. Con xin lỗi bố mẹ; bố xin lỗi các con”.

Dường như thời điểm đó, suy nghĩ, mong mỏi của bị cáo Thùa, bị cáo Ban mới chân thật, rất con người như vậy. Và, lời nói ấy lan tỏa không chỉ với những người tham dự phiên tòa hôm ấy mà còn ý nghĩa sâu sắc với bất cứ công dân nào, phải sống lương thiện, tử tế hơn.

Nhớ lại phiên tòa ngày 17/6/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử Mùa A Vàng, trú tại bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) về tội “giết người” mà nạn nhân chính là vợ của bị cáo. Khi được nói lời sau cùng, Vàng khóc nấc: “Chỉ vì phút ghen tuông và nông nổi nên tôi mới hành động dại dột. Dù có mang bản án như thế nào đi nữa thì vợ tôi cũng không sống lại được...”. Bỏ dở câu nói, Vàng khuỵu xuống, còn người thân lấy tay áo quệt nước mắt.

Một phiên tòa khác cũng để lại những day dứt về con đường dẫn đến phạm tội của bị cáo, đó là phiên tòa xét xử Cà Văn Tướng, Cà Văn Tiến và Quàng Văn Dương cùng trú tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tướng và Tiến là hai anh em ruột, còn Dương là cậu ruột của hai anh em. Bị cáo Tiến là người có hiểu biết, từng là bí thư chi bộ bản, nhưng cũng không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền phi pháp do anh trai và cậu rủ rê. Trước vành móng ngựa, Tiến nói: “Vì hoàn cảnh khó khăn, một con chết do bệnh tật, con thứ hai cũng không khỏe; thương con, thương bố mẹ mà bị cáo làm liều. Niềm thương lạc lối của bị cáo đã đẩy vợ con, bố mẹ vào tủi nhục. Mong pháp luật khoan hồng, giảm tội để bị cáo sớm có cơ hội về chăm sóc vợ con, báo hiếu bố mẹ, xin đừng có ai sai lầm như bị cáo”. Khi đó, phía cuối phòng xử án, vợ và mẹ của Cà Văn Tiến thì thầm mong hội đồng xét xử giảm án cho chồng, cho con. Nhưng luật pháp nghiêm minh, tội của Tiến, Tướng, Dương quá lớn, cả 3 bị tuyên án tử hình. Người mẹ khắc khổ mất đi hai người con, lại mất thêm người em trai. Ðau đến tan nát lòng, bà gục ngay trên hàng ghế.

Khi phải nói đến bệnh tật, nói đến tình cảnh bố mẹ già, con thơ, nói đến gia đình ấy là lúc con người ta trở về với bản ngã. Bởi thế, lời sau cùng của các bị cáo ở “công đường” thường để lại những day dứt, và bài học cảnh tỉnh, rằng đời người chỉ sống có một lần, phải sống cho xứng đáng, đừng lỗi lầm mà mang ân hận cho nhiều người.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top