Những ân hận muộn màng sau vô lăng…

15:54 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 5610 In bài viết

Đêm từng đêm, phía sau song sắt, nỗi ám ảnh vẫn đeo bám không nguôi đối với không ít phạm nhân thụ án do gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chỉ vì uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích, hoặc không có bằng lái…, giờ đây, tất cả khiến họ phải trả giá đắt bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật…

Trăn trở của cán bộ làm công tác giáo dục

Chúng tôi tới Trại giam Phú Sơn 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an vào những ngày giữa tháng 10. Khắp nơi trong khuôn viên trại, không khí thi đua sôi nổi. Các tường rào trại giam đang được sơn sửa. Nhiều khẩu hiệu có ý nghĩa khuyên răn, cảm hóa người lầm lỗi được kẻ vẽ sáng loáng: “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; “Đoàn kết giúp đỡ nhau để cùng cải tạo tiến bộ”, “Tự giác lao động, không giấu dốt”; “Học hỏi nâng cao tay nghề; Sản phẩm làm ra đạt hiệu quả kỹ thuật và mỹ thuật...”.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do tài xế N.X.H gây ra.

“Tôi mong muốn rằng các anh chị phạm nhân đang ngồi đây hãy xác định cho mình một mục tiêu phấn đấu thật sự rõ ràng trong quá trình chấp hành án phạt tù, vượt qua mọi khó khăn, gác bỏ lại quá khứ lầm lỡ của mình, thi đua cải tạo tiến bộ để sớm được hưởng sự khoan hồng. Gia đình và cộng đồng xã hội luôn dang tay chào đón các anh chị trở về tái hòa nhập…” - giọng Đại úy Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch Công đoàn Trại giam Phú Sơn 4, cán bộ giáo dục đang chia sẻ, động viên các phạm nhân mới nhập trại.

Làm công tác giáo dục nhiều năm, điều làm Đại úy Trần Ngọc Tùng và các cán bộ cùng nghề suy nghĩ nhất là “Trong quá trình quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân thì việc tuyên truyền của cán bộ về những kiến thức pháp luật, giáo dục động viên, tác động tâm lý phải làm sao để phạm nhân tiếp thu, nhận thức rõ được hết sức quan trọng”. Bởi đặc điểm của đối tượng giáo dục phổ biến pháp luật trong trại giam rất đa dạng, thuộc đủ thành phần trong xã hội với nhiều độ tuổi khác nhau và có trình độ học vấn khác nhau, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, tính chất phạm tội khác nhau.

Hiện trường vụ tai nạn khiến một người tử vong do tài xế Đ.Đ.Q. gây ra.

Trong số các phạm nhân ở trại giam, một số trường hợp gần đây các cán bộ giáo dục như Đại úy Trần Ngọc Tùng và đơn vị dành thời gian quan tâm nhiều hơn là những phạm nhân thụ án do gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhiều người do sử dụng rượu bia, chất kích thích, có những phạm nhân trẻ chưa có giấy phép lái xe, bất cẩn, chủ quan rồi gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, cướp đi sinh mạng của người khác. Để rồi phía sau mỗi bản án nghiêm minh của pháp luật, không chỉ là những tháng ngày dài xa người thân, mà trong mỗi họ, bản án lương tâm, nỗi ám ảnh từng đêm luôn day dứt khôn nguôi…

Cũng theo Đại úy Trần Ngọc Tùng, các phạm nhân thụ án do gây tai nạn giao thông thường hay né tránh, im lặng hoặc e ngại, rụt rè, ít tự nguyện, bộc bạch tâm tư, tình cảm suy nghĩ của mình. Chính vì mặc cảm tâm lý do những tội lỗi gây ra nên cần sự quan tâm nhiều hơn để những phạm nhân này nhanh chóng ổn định tâm lý, từ đó nâng cao nhận thức, kiến thức về chính sách, pháp luật, các giá trị, chuẩn mực đạo đức, kỹ năng sống phù hợp. Rồi từ đó, có nhận thức, thái độ, hành vi đúng, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực lao động, học tập tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội…

Giá như…

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng L.V.V (18 tuổi, Lạng Sơn) đang phải chấp hành án 3 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ánh mắt đượm buồn, V nhớ lại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, lúc đó khoảng 23h, sau khi đi uống bia về phòng trọ, cậu nhận được cuộc gọi của bạn nhờ đi đón về. Không suy nhiều về việc trong người vẫn còn đẫm men say, V. phóng xe bất chấp trên đường trời đang mưa như trút, tầm nhìn hạn chế. Vậy nên, dù bản thân di chuyển đúng phần làn đường nhưng V. không đủ tỉnh táo để kiểm soát hành vi, dẫn đến sự việc không mong muốn, tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong…

Đại úy Trần Ngọc Tùng chia sẻ, động viên các phạm nhân cải tạo tốt.

“Sau khi vụ việc xảy ra khiến 1 người tử vong, tôi rất ám ảnh, sợ hãi và luôn cảm thấy có lỗi với nạn nhân, gia đình nạn nhân. Giá như tôi nghe lời bố mẹ hằng ngày vẫn khuyên can không uống rượu, bia lái xe thì mọi sự giờ không như này. Bây giờ tôi suy nghĩ rất nhiều, chỉ mong sớm được trở về với gia đình, xã hội, bên bạn bè, người thân, được đi làm có tiền lo cho bố mẹ…” - phạm nhân L.V.V chia sẻ.

Với nữ phạm nhân P.T.G (tỉnh Bắc Giang), chấp hành án phạt hơn 6 năm tù vì chưa có bằng lái xe, gây tai nạn giao thông, những ngày mới nhập trại là những ngày dài đằng đẵng, chưa đêm nào G. chợp mắt nổi. Cứ nhắm mắt lại là sự việc lúc cô điều khiển xe ô tô vượt xe tải phía trước và gây tai nạn khiến 1 người đi xe máy tử vong lại hiện ra.

“Lúc đó khoảng 6h tối, tôi điều khiển xe ô tô đi đón con ở Hà Nội. Trên đường đi trời tối và mưa, trong lúc vượt xe tải tôi đã va chạm với xe máy đi ngược chiều. Nạn nhân văng xuống ven bờ mương, xe của tôi cũng mất lái và lao xuống theo. Sau đó, cùng sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi tìm kiếm và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không qua khỏi cơn nguy kịch…” -  phạm nhân P.T.G kể lại giây phút khiến bản thân rất ân hận, và nhiều đêm cô không ngủ.

Phạm nhân Đ.Đ.Q. chấp hành án tại trại giam.

Nhắc đến gia đình, con cái, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên má phạm nhân P.T.G. Thương mẹ, những đứa nhỏ mỗi lần lên thăm lại khóc. Kìm nén cảm xúc, G. cắn chặt môi và khuyên các con bảo ban nhau học tập thật tốt, hình phạt cho mẹ là bài học đắt giá, vậy nên hãy luôn có ý thức chấp hành pháp luật. Sau một thời gian được các cán bộ giáo dục theo dõi, động viên, bản thân phạm nhân P.T.G giờ đã ổn định tâm lý, tập trung cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ gia đình.

Là người có thâm niên chạy xe khách đường dài, vậy nên N.X.H (tỉnh Thái Nguyên) luôn kiểm tra an toàn xe trước khi di chuyển. Vậy nhưng, chỉ vì hôm đó “vội”, cùng một phút lơ là, N.X.H trong quá trình điều khiển xe khách từ Hà Nội về Quảng Ninh đã gây tai nạn làm 2 người chết, 2 người bị thương và làm hư hỏng 4 ô tô, 14 xe máy, 2 xe đạp điện. Giờ đây, sau một thời gian thụ án tại Trại giam Phú Sơn 4, thi thoảng đi ngủ, H vẫn nằm mơ về vụ tai nạn. Trong giấc mơ, H ân hận, day dứt, luôn văng vẳng  trong đầu câu nói của người bị nạn “cứu tôi với”. Mỗi lần như vậy, H bảo, bản thân luôn mong “giá như, thời gian quay được trở lại...”.

Cán bộ Trại giam Phú Sơn hướng dẫn dạy nghề phạm nhân P.T.G.

Vợ không có việc làm ổn định, từ trụ cột chính gia đình nuôi mẹ già và 2 con nhỏ lớp 2, lớp 4 ăn học, N.X.H vướng vào vòng lao lý. Từ ngày bố đi tù, hai đứa trẻ lúc nào cũng buồn, ít nói hơn và không hòa nhập với các bạn như trước. Nghe vợ chia sẻ mỗi khi lên thăm, H ngậm ngùi, quyết tâm tích cực cải tạo tốt mong nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được về với gia đình, làm công dân có ích.

Trong câu chuyện với các phạm nhân, hai từ chúng tôi nghe nhiều nhất từ họ là “Giá như…”. Vâng! “Giá như” họ hiểu ra từ sớm hơn, có lẽ không trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật như thế này. Mong rằng, đây sẽ là bài học cảnh tỉnh để người dân nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông. Với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", hơn lúc nào hết mỗi người dân cần tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông để đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho cộng đồng…

Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, tại trại giam hiện có 36 phạm nhân phạm tội liên quan đến "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Trong đó, có 12 trường hợp vi phạm lúc cơ thể có nồng độ cồn, 3 trường hợp phạm tội khi trong cơ thể có chất ma túy. Khi các phạm nhân tới, trại giam đều tổ chức chương trình giáo dục đầu vào cho phạm nhân. Trong trại giam, đơn vị tổ chức giáo dục dạy nghề cho phạm nhân như may mặc, cơ khí, hàn, mộc... hoặc để các phạm nhân dạy nghề cho nhau. Trước khi họ tái hòa nhập cộng đồng, trại giam phối hợp với các ban, ngành, bên cạnh hướng nghiệp, đơn vị chú trọng tổ chức chương trình giáo dục, phối hợp, mời các cán bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên đến để tuyên truyền, góp phần quan trọng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top