Tội phạm ngày càng trẻ hóa, gây ra những hệ lụy to lớn cho xã hội

10:24 - Thứ Tư, 01/11/2023 Lượt xem: 6026 In bài viết

Tội phạm ngày càng trẻ hóa không chỉ là nỗi đau của gia đình có con em phạm tội, là chuyện riêng của các cơ quan thực thi pháp luật, nó còn gây ra những hệ lụy to lớn cho xã hội, đánh mất tương lai, tuổi trẻ của mỗi cá nhân chỉ vì những bồng bột, sai lầm chốc lát. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để có những giải pháp đồng bộ giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay.

Ngày 25/10, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng (sinh từ năm 2001-2005) về hành vi Gây rối trật tự công cộng.

Bài 1: Nhiều vụ án chấn động dư luận xã hội

Có thể thấy rằng, tội phạm ngày càng trở nên manh động và trẻ hóa. Qua khảo sát từ lực lượng chức năng cho thấy, nhóm đối tượng từ 15-30 tuổi thường xuyên gây ra những vụ án bạo lực ghê rợn. Vài năm trở lại đây, độ tuổi gây án của các đối tượng ngày càng trẻ hơn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13 nghìn trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, coi là những “chiến tích” để khoe khoang, thách thức pháp luật. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng dễ dàng lập nhóm, lôi kéo, rủ nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp.

Những vụ án đau lòng

Cho đến bây giờ, dư luận vẫn chưa hết ám ảnh hành vi giết mẹ của Lê Hoàng Nam, sinh năm 1987, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa. Nam là đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, dư luận vô cùng phẫn nộ và bức xúc với không chỉ hành vi vô nhân tính của Lê Hoàng Nam, mà còn hàng loạt các hành vi bạo ngược của đám thanh niên như: đốt khán thờ gia tiên, cầm dao dọa, ép bố đòi chia tài sản hòng “nướng” cho ma túy. Theo đánh giá từ Công an tỉnh Thanh Hóa, ma túy là một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc có liên quan các hành vi phạm tội trên địa bàn như : trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cờ bạc, đòi nợ thuê, “tín dụng đen”…

Tại tỉnh Bình Dương, giữa tháng 10/2023, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 5 đối tượng để điều tra về tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Trước đó, tháng 9/2023, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an thành phố Thuận An triệt phá đường dây chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, đã bắt giữ 5 đối tượng này, thu giữ 9 khẩu súng, 88 viên đạn các loại, cùng nhiều bộ phận, thiết bị, công cụ dùng để chế tạo súng. Đáng chú ý, tất cả đều chưa qua tuổi 20, đối tượng nhỏ nhất chưa 18 tuổi.

Một vụ án khác xảy ra ngày 4/8/2023, nhóm 5 thiếu nhi có hành vi giết người, cướp tài sản, trong đó đối tượng lớn tuổi nhất 20 tuổi, đối tượng ít tuổi nhất mới 14 tuổi. Do muốn có tiền tiêu xài, nhóm thiếu niên rủ nhau đến khu vực mương nước trên địa bàn phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát giả vờ hỏi mua cá của hai ông V.V.T và ông N.V.D. Nhân lúc hai người này không để ý, các đối tượng xô, đẩy nạn nhân từ trên cao xuống mương nước, chiếm đoạt 2 xe máy. Do bị đẩy ngã từ trên cao, ông V.V.T tử vong tại chỗ, ông N.V.D bị thương được đưa đi cấp cứu. Sau khi gây án, các đối tượng mang hai xe máy đi bán được 1,1 triệu đồng, chia nhau tiêu xài.

Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội điều tra, phá nhiều vụ án do các đối tượng vị thành niên gây ra, trong đó, không ít thủ phạm là học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Mặc dù Công an thành phố Hà Nội được Bộ Công an đánh giá cao trong việc xử lý các vụ việc thanh, thiếu niên hư, tụ tập mang dao kiếm, hung khí, điều khiển mô-tô gây mất an ninh trật tự xã hội, tuy nhiên, tội phạm đường phố trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp. Qua đánh giá, phân loại, số đối tượng là học sinh, sinh viên chiếm hơn 70% trong các vụ gây rối trật tự công cộng.

Điển hình, cuối tháng 7/2023, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện một số nhóm thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 17 tuổi, trú tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai và quận Hà Đông thường tụ tập, tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng trên tuyến Quốc lộ 6. Xác định tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, tối 29/7, lực lượng chức năng Công an huyện tạm giữ hàng chục đối tượng vi phạm. Qua đấu tranh, xác định Nguyễn Đình Hào, sinh năm 2008 trú tại quận Hà Đông, sử dụng mạng xã hội, lập nhóm lôi kéo thanh, thiếu niên thuộc nhiều quận, huyện khác nhau trên địa bàn, tổ chức đua xe… Thượng úy Nguyễn Minh Đức, cán bộ Đội Cảnh sát Hình sự (Công an quận Hà Đông) cho biết: Các hội, nhóm chuyên đi gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, thậm chí phạm tội cướp tài sản đều không có tổ chức theo kiểu băng, ổ nhóm, đa phần hình thành tự phát, rủ rê đi phạm tội.

Đáng nói, nhiều trang mạng xã hội rao bán công khai hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ, súng công cụ, có những tài khoản mạng xã hội hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, điều chế ma túy, đánh bài bịp… Không ít thanh, thiếu niên tham khảo, bắt chước, thực hiện.

Đâu là nguyên nhân?

Theo nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm, rồi trượt dài trên những sai lầm đó.

Thực tế, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội là do lười học tập, lười lao động, nhưng lại đua đòi, thích hưởng thụ. Trong số đó, không ít trường hợp do cha mẹ ly hôn, thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục. Các em có xu hướng tìm những đối tượng cùng hoàn cảnh để tụ tập, hoặc bị đối tượng xấu, nắm bắt hoàn cảnh, tiếp cận, hòng lôi kéo, rủ rê tham gia phạm pháp. Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em bỏ học, bỏ nhà, tụ tập băng nhóm, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng lên.

Dưới góc độ tâm sinh lý, các chuyên gia tâm lý nhận định: lứa tuổi từ 13-16 tuổi, đang trong độ tuổi dậy thì, thích được khẳng định mình. Bên cạnh đó, là do “khủng hoảng” tâm sinh lý lứa tuổi, cha mẹ mải mê mưu sinh, không quan tâm, xử lý kịp thời. Nhà trường không chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, xem nhẹ công tác tư vấn tâm lý. Đáng chú ý, trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, nhiều khi các em bị thế giới ảo, mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok… game bạo lực chi phối, dẫn tới mất phương hướng, lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống.

Là người lâu năm nghiên cứu về tội phạm, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu lý giải một số vụ việc đau lòng liên quan trẻ vị thành niên là xuất phát từ “khủng hoảng lòng tin”. Thượng tá Hiếu cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường, do bươn chải, vật lộn mưu sinh, sự quan tâm của các bậc cha mẹ đối với con cái không được như trước. Chính vòng xoáy công việc làm ăn cuốn người lớn chạy theo… vô tình hay hữu ý sẽ “đập” vào mắt con trẻ.

Trong nền kinh tế thị trường, do bươn chải, vật lộn mưu sinh, sự quan tâm của các bậc cha mẹ đối với con cái không được như trước. Chính vòng xoáy công việc làm ăn cuốn người lớn chạy theo… vô tình hay hữu ý sẽ “đập” vào mắt con trẻ.

Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu

Trong nhà trường, những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè kỳ thị, cô lập, đe dọa vũ lực, thậm chí bị đánh hội đồng. Khi đứa trẻ không tin người lớn, không tin vào thầy cô, bạn bè, cảm giác bị cả thế giới bàng quan, không thấu hiểu nỗi đau của mình, đứa trẻ dần thu mình lại trong thế giới của chính mình. Bất kỳ điều gì tác động đến lợi ích bản thân, đứa trẻ ngay lập tức phản kháng, tự bảo vệ mình bằng những lời nói, hành động tiêu cực. Vụ việc nam sinh 16 tuổi (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) nhảy lầu tự tử trước mặt bố khiến dư luận rúng động. Trong thư tuyệt mệnh, em nói do áp lực học hành nên đã chọn cái chết để kết thúc cuộc đời. Sự việc một lần nữa báo động vấn đề áp lực học hành đối với học sinh, cũng như cách thức quan tâm, chăm sóc con cái của cha mẹ, nhà trường.

Luật sư Phùng Văn Trang, Trưởng Văn phòng luật sư Đức Pháp Quyền lại cho rằng: Vấn đề giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, nhất là lứa tuổi vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức. Một khi thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật dễ dẫn đến hành vi vi phạm. Do đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân nói chung và đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đúc kết: Những hành vi sai lệch được tích tụ từ những chuyện rất nhỏ mà gia đình, nhà trường không phát hiện ra. Khi nó “vỡ” thành những hành động phi nhân tính, xã hội mới bàng hoàng. Chúng ta hãy nhớ rằng: đó chính là sản phẩm của xã hội.

(Còn nữa)

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top