Phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

15:27 - Thứ Tư, 01/11/2023 Lượt xem: 4853 In bài viết

ĐBP - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những hoạt động mang tính nhân văn của Ðảng, Nhà nước, nhằm đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng TGPL.

Các cơ quan tố tụng tỉnh ký kết quy chế phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thụ lý và thực hiện 644 vụ việc với 644 lượt yêu cầu TGPL. Số vụ việc hoàn thành trong kỳ là 507 vụ việc cho 507 lượt người. Quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên, luật sư đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.

Thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL. Hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, thông tin, thông báo và thống kê vụ việc. Nhất là việc quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin về người thuộc diện TGPL cho Trung tâm TGPL trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL, góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.

Ðể nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, Trung tâm tăng cường các hoạt động truyền thông về TGPL tại cơ sở. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức thực hiện 29 đợt truyền thông về TGPL tại 230 thôn, bản thuộc 60 xã của các huyện: Tuần Giáo, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Chà và TX. Mường Lay, thu hút 9.649 lượt người tham dự. Ðồng thời thực hiện giải đáp pháp luật 156 việc cho 156 lượt người yêu cầu TGPL thuộc các lĩnh vực đất đai, dân sự hôn nhân và gia đình, hình sự và các lĩnh vực khác; cấp phát miễn phí 15.077 tờ gấp pháp luật cho người dân.

Các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật.

Theo ông Ðỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, để thực hiện tốt công tác phối hợp trong TGPL, các cơ quan tố tụng cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng kịp thời cung cấp thông tin về người được TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự; giải thích về quyền được TGPL. Thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trợ giúp viên tham gia TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần ưu tiên công tác TGPL mà Ðảng và Nhà nước quan tâm đối với nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng là người nghèo, cận nghèo, có công với cách mạng, người khuyết tật. Ðặc biệt lưu ý các vụ việc tố giác, kiến nghị khởi tố có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo khách quan, giảm số lượng vụ việc khiếu kiện nhiều nơi, khiếu kiện vô căn cứ.

Thời gian qua sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang từng bước được kiện toàn và chú trọng hơn. Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng đã và đang bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự. Qua đó làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, góp phần nâng cao chất lượng các phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top