Người dân cần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi

15:48 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 3953 In bài viết

Thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân cảnh giác về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tội phạm. Dù thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới nhưng vì sự chủ quan, tin tưởng vào những lời nói “có cánh” nên nhiều người đã bị sập bẫy lừa, bị chiếm đoạt tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Mới đây, chị Trần Thị M (SN 2000, trú tại phường Phú Thượng, TP Huế) đã gửi đơn trình báo đến Công an TP Huế về sự việc bị đối tượng Đào Duy Thạnh (SN 1993, trú tại thôn Thai Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP Huế) lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trong đơn trình báo, chị M cho biết, do có mối quan hệ quen biết từ trước nên khi biết người thân của chị M bị cơ quan Công an bắt tạm giam về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” thì đối tượng Thạnh tìm gặp chị M và ngỏ ý giúp chị M “chạy án” cho người thân. Lúc này, Thạnh “nổ” với chị M rằng bản thân có mối quan hệ với Công an, Viện KSND và sẽ xin cho người thân chị M được ra trại sớm. Vì lo lắng cho người thân và một phần tin tưởng khi nghe Thạnh giới thiệu có nhiều mối quan hệ xã hội nên chị M đồng ý để Thạnh “chạy án”. Khi biết chị M sập bẫy lừa, Thạnh nhiều lần yêu cầu chị M chuyển tiền cho mình để “chạy án” nhưng thực ra đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền để tiêu xài cá nhân.

Cán bộ Đội CSHS Công an TP Huế lấy lời khai đối tượng Đào Duy Thạnh lừa đảo “chạy án”.

“Tin tưởng Thạnh nên tôi đã 2 lần chuyển tiền cho đối tượng này. Trong đó, ngày 8/6/2023, Thạnh yêu cầu tôi chuyển số tiền 80 triệu đồng. Tiếp đó Thạnh nói số tiền ấy không đủ “chạy án” nên yêu cầu tôi chuyển thêm 30 triệu đồng. Thế nhưng sau khi chuyển tiền, nhiều lần tôi gọi điện thoại hỏi Thạnh thì người này không nghe máy rồi cắt đứt liên lạc. Biết mình bị lừa nên tôi đã làm đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an TP Huế”, chị M cho hay.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP Huế cho biết, ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của chị Trần Thị M, Ban Chỉ huy Công an TP Huế đã chỉ đạo lực lượng đơn vị tập trung xác minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Đào Duy Thạnh. Qua điều tra làm rõ, ngày 31/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đào Duy Thạnh để xử lý theo quy định pháp luật.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài thủ đoạn “chạy án” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp kể trên thì thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã bị các đối tượng sử dụng những đầu số điện thoại: 0586291097; 0583945381; 0814073108; 0849130115; 0819078726; 0886284501; 0836149554; 0822296690; 0822346178; 0814032589; 0853327415; 0911109884; 0853613907; 0834186052… gọi đến và tự xưng là cán bộ Công an, Viện KSND để thông báo họ có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan Công an đang điều tra. Sau đó các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng nhằm mục đích thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Và thời gian gần đây có nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị các đối tượng sử dụng những đầu số điện thoại nói trên để gọi điện thực hiện hành vi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Như vào đầu tháng 9/2023, anh Đặng Văn Đ. (SN 1983, ở phường An Hòa, TP Huế) nhận được cuộc điện thoại từ số lạ kể trên và người này tự xưng là cán bộ của Bộ Công an, đang điều tra về một vụ án ma túy và cho biết anh Đ có liên quan đến vụ án này. Đối tượng yêu cầu anh Đ kê khai tài sản và toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng. Khi anh Đ. cho biết không hề có liên quan đến vụ án ma túy nào thì đối tượng này lớn tiếng thông báo qua điện thoại rằng: “Cơ quan Công an sẽ điều tra làm rõ, đề nghị anh làm theo hướng dẫn…”.

Lo sợ, hoảng loạn nên anh Đ làm theo hướng dẫn của đối tượng này và cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Tuy nhiên chỉ chưa đến 3 phút sau, ĐTDĐ của anh Đ báo tài khoản ngân hàng bị trừ 324 triệu đồng. Lúc này anh Đ mới biết mình đã sập bẫy lừa đảo.

Tương tự, một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn H (SN 1956, ở phường Phường Đúc, TP Huế) cũng bị các đối tượng sử dụng những số điện thoại kể trên để thay nhau gọi điện tự xưng là cán bộ Công an, Viện KSND để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, qua mạng internet và hòng tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Trước các vụ việc đối tượng lừa đảo sử dụng đầu số điện thoại lạ gọi điện cho người dân giả danh lực lượng thực thi pháp luật để lừa đảo, Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã niêm yết, thông báo các đầu số điện thoại kể trên để người dân cảnh giác.

Ngoài ra, thông qua các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, mạng xã hội Facebook, Zalo, Phòng CSHS cùng với Công an các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cũng đã thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân nâng cao cảnh giác.

“Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, cơ quan Công an, Viện KSND để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của đối tượng để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Đại tá Phạm Văn Toàn cho hay.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top