Ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

09:10 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 29237 In bài viết

ĐBP - Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng. Những năm gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng ở địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt, đa dạng về phương thức, thủ đoạn, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự xã hội.

Ðầu tháng 3/2023, chị N.T.H. (TP. Ðiện Biên Phủ) được một đối tượng kết bạn, làm quen, nói chuyện trên nền tảng mạng xã hội facebook. Sau thời gian trò chuyện, khi đã có sự tin tưởng nhau, đối tượng rủ rê chị H. cùng tham gia đầu tư tài chính. Ban đầu, đối tượng hướng dẫn chị H. nạp tiền vào tài khoản giao dịch trên sàn giả. Thực hiện lệnh đầu với số tiền lợi nhuận thu được từ 300 nghìn đồng đến 30 triệu đồng và cho phép chị H. rút tiền từ tài khoản đầu tư trên các sàn đầu tư giả mạo về tài khoản ngân hàng để gây dựng lòng tin. Sau đó lợi dụng lòng tham, đối tượng gợi ý đầu tư các lệnh với số tiền lớn, các gói đầu tư ưu đãi. Sập bẫy của chúng, khi chị H. đã nạp tiền tham gia vào các gói đầu tư lớn thì các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt, không cho bị hại rút tiền về tài khoản ngân hàng cá nhân. Vì vậy, chị H. đã bị các đối tượng lừa, chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Khoảng tháng 4/2023, chị N.T.D. (TP. Ðiện Biên Phủ) bị một đối tượng gọi điện tự xưng là Công an Ðà Nẵng đang điều tra một vụ việc có liên quan đến chị. Ðối tượng yêu cầu chị D. chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh không liên quan đến vụ việc đang điều tra. Do nhẹ dạ, cả tin nên chị D. đã bị các đối tượng lừa, chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản điển hình trên không gian mạng xảy ra ở địa bàn tỉnh thời gian qua. Qua công tác nắm tình hình, từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, xác minh hơn 30 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Trong đó, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, như: Giả danh các cơ quan thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát...); giả danh nhân viên ngân hàng, bác sĩ hay kêu gọi đầu tư tài chính, tuyển cộng tác viên online... Các phương thức lừa đảo đó không chỉ làm thiệt hại về tiền bạc, lừa đảo trực tuyến còn gây các hệ lụy về tinh thần, đời sống của người dân.

Ðể ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thượng tá Hoàng Văn Tài, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho nhân dân, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú. Thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đến toàn thể quần chúng nhân dân. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động các loại tội phạm trên không gian mạng để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, về phía người dân cũng cần lưu ý không nhấp vào các đường link lạ, đường link giả mạo. Trong trường hợp lỡ nhấp vào link giả mạo, nhập user name và password, mọi người hãy nhanh chóng đăng nhập Internet banking chính thức, nhập sai mật khẩu nhiều lần cho đến khi nhận được thông báo tài khoản bị tạm khóa. Sau đó liên hệ ngay với ngân hàng gần nhất hoặc hotline để được giúp đỡ. Ðồng thời phải bảo vệ thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet, không cung cấp thông tin cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không cho mượn, cho thuê, mua bán trái phép hoặc chia sẻ các các loại giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, hộ khẩu, vé máy bay... Có như vậy, các đối tượng xấu mới không có cơ hội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; giúp công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top