Quốc hội tranh luận về thu thập chứng cứ trong các vụ án

10:37 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 4859 In bài viết

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Vấn đề cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự thu hút sự quan tâm thảo luận, tranh luận của nhiều đại biểu, với nhiều loại quan điểm, ý kiến khác nhau.

Cần thiết thay đổi, hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), qua tổ chức lấy ý kiến, vấn đề này vẫn còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ, như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay, ngay cả tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức TAND 2014.

ĐBQH Hồ Thị Yến Nhi phát biểu tại phiên họp.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của tòa án, tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy. Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức TAND 2014 lại quy định giao về cho tòa án. Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án...

"Đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy đề nghị TAND tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề này để ĐBQH và người dân có thể an tâm hơn", nữ đại biểu nêu.

ĐBQH Mai Khanh nêu ý kiến tại phiên họp.

Nghiêng về phương án giao người dân thu thập chứng cứ, ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) cho biết, Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và Nghị quyết 27 đều xác định, trong hoạt động tư pháp lấy tòa án làm trung tâm và xét xử làm trọng tâm. Trong công tác xét xử, đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho tất cả các phán quyết của tòa án chủ yếu dựa trên kết quả tranh tụng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn đến toà án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào toà án. Chính vì vậy, nảy sinh ra một số hệ luỵ như nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán; khiến cá nhân và tổ chức "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân.

"Đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay thì việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên toà án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân", đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính trình bày quan điểm tại phiên họp.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cũng cho rằng, việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, các nguyên tắc pháp luật và quy định về tố tụng. Đồng thời, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã "làm thay việc" cho đương sự, khiến họ trông chờ vào toà án, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. "Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới đề cao vai trò của đương sự trong việc chứng minh sự việc", đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, thực tiễn một số trường hợp khi tòa án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan Nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu để đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức này thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan Nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.

Nếu để các bên "tự chiến đấu với nhau" sẽ thiệt thòi cho người yếu thế

Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người dân không hiểu biết sâu nên cần thiết quy định tòa án thực hiện thu thập chứng cứ. "Việt Nam theo hệ dân luật. Trong hệ dân luật, tòa án và thẩm phán chủ trì việc đánh giá, xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ. Hơn nữa, toà án của Việt Nam là toà-án-nhân-dân, ở Việt Nam có sự chênh lệch khoảng cách giàu-nghèo, chênh lệch về dân trí, văn hoá, chênh lệch giữa thành thị-nông thôn... Nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ, nên nếu khoán cho các bên "tự chiến đấu với nhau" sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế", đại biểu lý giải.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại phiên họp.

Thêm vào đó, theo ông, nếu để các bên tự thu thập chứng cứ thì mỗi bên sẽ thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi. Vì thế, họ mới tìm đến toà - "ông Bao công" để mong tìm thấy sự khách quan trong xét xử. Chỉ có toà mới ra lệnh được ngân hàng hay cơ quan Nhà nước cung cấp toàn bộ chứng cứ, từ đó ra phán quyết công bằng, hợp lý cho các bên. "Tóm lại, chúng ta sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân hay để thuận lợi hơn cho toà án? Nếu để thuận lợi cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của toà án" - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Chung suy nghĩa, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện điều kiện kinh tế -xã hội, trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật của nước ta chưa cho phép điều này. Việc tự thu thập chứng cứ là một thách thức đối với người dân vì họ không đủ điều kiện, năng lực yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp chứng cứ.

ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên họp.

"Trong vụ án hành chính, người dân đi kiện cơ quan Nhà nước thì việc thu thập chứng cứ càng khó hơn. Thông qua các vụ án toà tạm đình chỉ để trả lời càng thể hiện rõ điều đó. Giả sử người dân yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản, ngân hàng có sao kê không? Tôi trả lời là không, chúng ta chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ", ông lập luận.

Trước hai luồng ý kiến tranh luận, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, một bên tiếp cận và lập luận như đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ra, trong điều kiện hiện nay thì hợp lý. Song, xét về mặt bản chất, đại biểu Mai Khanh nêu ý kiến của Ban soạn thảo để tăng cường tính tranh luận trong tranh tụng cũng có cơ sở.

Khẳng định đây là vấn đề rất hệ trọng, ông đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Tư pháp cần có trách nhiệm tổ chức những hội thảo chuyên sâu bởi trong buổi thảo luận tại hội trường đại biểu chỉ có 7 phút không thể nói hết được. "Giữa nền văn minh mô hình tổ chức hoạt động toà án, nên chọn những cái ưu việt nhất", đại biểu góp ý.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình giải trình thêm tại phiên thảo luận.

 

Giải trình thêm tại phiên thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện quốc tế, nếu như chúng ta không tự thu thập chứng cứ để bảo vệ mình thì toà quốc tế sẽ xử mình thua. Việc này đề cao trách nhiệm tự vệ của bên bị kiện và chứng minh quyền thắng kiện, thu thập chứng cứ của bên đi kiện.

Theo ông, tiếp thu ý kiến các đại biểu, khi hai bên không thể thu thập chứng cứ (cả bên nguyên và bên bị) mà có yêu cầu thì toà án sẽ hỗ trợ. "Một năm toà giải quyết 600.000 vụ án, trong khi chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu mà đi thu thập chứng cứ hết cho các vụ án. Cơ bản, toà sẽ hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ bằng lệnh của toà án, còn bên nào không cung cấp chứng cứ sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Chánh án TAND tối cao khẳng định.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top