Nhổ cỏ dại và tẩy độc đất trồng

10:06 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 4127 In bài viết

Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh hôm 27/11 vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ ba đối tượng do Lê Danh Tạo cầm đầu về tội: “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo khoản 2, Ðiều 366 Bộ luật Hình sự, đang được dư luận rất quan tâm, được mổ xẻ, soi chiếu ở nhiều góc độ. Bởi hành vi lợi dụng mối quan hệ, quen biết trong giới báo chí, hoạt động báo chí, mượn danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí để dọa nạt trục lợi, vốn không phải là chuyện mới.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp thẩm vấn đối tượng Lê Danh Tạo. (Ảnh: nhandan.vn)

Trong khi xã hội còn nhiều vấn đề về hiệu quả quản trị nhà nước và thực thi pháp luật; đạo đức công vụ và ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, cán bộ nhà nước nhiều nơi còn chưa nghiêm; việc làm trái pháp luật để trục lợi và nỗi sợ bị phơi bày ra công luận, bị pháp luật trừng phạt, như một quy luật, lại luôn đồng hành với những thế lực bao che - cả chính danh và mạo danh trong một số ngành nghề, trong đó có cả báo chí vì những động cơ đen. Quan hệ cộng sinh đó mang bản chất của thực thể ký sinh lẫn nhau để cùng tồn tại, và đó chính là mảnh đất màu cho cái xấu, cái ác nảy nở, phát triển.

Dư luận hoan nghênh cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phá vỡ một ung nhọt xã hội tồn tại lâu nay, và phơi sáng sự thật đó với những hệ lụy có thể còn phải tiếp tục điều tra, còn đang ẩn trong bóng tối.

Nhưng điều dư luận quan tâm và kỳ vọng hơn là lần này, không chỉ dừng lại ở sự ồn ào từng có trong quá khứ của những vụ mãi lộ, xe vua; những cung đường núp bóng, những trạm cân tai tiếng; không dừng lại ở sự ầm ĩ của những vi phạm và tội phạm mang danh nhà báo - cả nhà báo thật lẫn nhà báo giả vốn âm ỉ “lưu truyền trong dân gian” thời gian qua - mà điều quan trọng hơn, việc xử lý vụ việc này phải thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe với những người “ngồi lên” pháp luật, bất kể ở vị trí nào.

Điều dư luận quan tâm và kỳ vọng hơn là lần này, không chỉ dừng lại ở sự ồn ào từng có trong quá khứ của những vụ mãi lộ, xe vua; những cung đường núp bóng, những trạm cân tai tiếng; không dừng lại ở sự ầm ĩ của những vi phạm và tội phạm mang danh nhà báo - cả nhà báo thật lẫn nhà báo giả vốn âm ỉ “lưu truyền trong dân gian” thời gian qua - mà điều quan trọng hơn, việc xử lý vụ việc này phải thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe với những người “ngồi lên” pháp luật, bất kể ở vị trí nào.

Với danh tính của ba đối tượng vừa bị khởi tố gồm Lê Danh Tạo, từng là nhà báo, cộng tác viên của một số báo, tạp chí; Hồ Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Sống khỏe và Pháp luật - vợ Lê Danh Tạo, và Hồ Kim Cường, em trai Hồ Thị Hải, chân dung “người lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” đã khá rõ.

Công luận đòi hỏi làm rõ thêm những người “có chức vụ quyền hạn” để được/bị lợi dụng là những ai, liên kết với nhau như thế nào, hưởng lợi “chia quả thực” ra sao từ các đối tượng trục lợi nêu trên; quy định pháp luật đã bị bẻ queo, vô hiệu ra sao từ những quan hệ mờ ám đó.

Ở đây nổi lên vấn đề, nếu đại diện các cơ quan công quyền, cơ quan thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật vì làm sai mà bị các đối tượng này khống chế, rồi trở thành một mắt xích của đường dây trục lợi đó, tiếp tục che chắn, bảo vệ cho những đối tượng phạm tội, thì càng phải được phơi bày, làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Một nhóm đối tượng “cáo mượn oai hùm” chỉ là nguyên nhà báo, cộng tác viên; “cộng tác viên” của một số cơ quan báo, tạp chí mà thu tiền bảo kê những sai phạm trong lĩnh vực giao thông mỗi tháng cả tỷ đồng từ chính cái sai, từ nỗi sợ, từ sự che đậy và sau hết - từ những lợi ích “đen”, những đồng tiền “bẩn”, thì rõ ràng, những món quà từ trăm triệu đồng cho đến hàng triệu USD, công phá cả thành trì thanh tra của một ngành, của liên ngành, rộng hơn phá nát cả một tập thể, cả một cấp ủy của ngành, địa phương - như báo chí thông tin thời gian qua - có “sức mạnh” kinh hoàng như thế nào!

Thêm một lần nữa, qua vụ việc này, mục tiêu, cái đích hướng tới là tạo ra một cơ chế “không thể, không dám và không muốn tham nhũng”, từ thực tiễn nghiệt ngã, thô ráp ở cơ sở, tiếp tục được thử thách trên con đường hoàn thiện, cả về con người và cơ chế; cả về đãi ngộ và kỷ luật; cả về tự giác và giám sát; cả về ngăn ngừa, bảo vệ. Khi một chiếc xe sai phạm có thể ung dung lọt qua các barie chỉ với một dấu hiệu nhận dạng riêng “xe của Tạo” thì rõ ràng “những barie” pháp luật đã bị vô hiệu; camera trên đường chỉ còn làm nhiệm vụ trang trí cho những cameraman chạy bằng cơm thoái hóa; những cán bộ có lương tâm và lương tri cũng đang từng ngày từng giờ căng thẳng đứng trước lựa chọn, nhắm mắt buông tay để giữ chỗ làm hay đứng lên trước đúng sai để rồi có khi mang vạ.

Vụ việc mượn danh báo chí ở Hà Tĩnh và có thể ở một số tỉnh khác, để trục lợi, cưỡng đoạt tài sản, kể cả bằng các thủ đoạn tinh vi hay trắng trợn vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra, làm rõ, chính là cơ hội tốt để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý, thanh lọc những cá nhân, tổ chức sai phạm trong lĩnh vực và hoạt động báo chí, cả trực tiếp và gián tiếp.

Với những quy định mới của Trung ương, trách nhiệm của các tòa soạn, người đứng đầu cơ quan báo chí; quy chế quản lý, hoạt động các cơ quan đại diện của cơ quan báo chí, phóng viên thường trú tại các địa phương, cũng cần được siết chặt hơn. Ðặc biệt là công tác cấp thẻ phóng viên, cộng tác viên, kiểm soát việc lưu hành giấy tờ giả mạo của tổ chức cơ quan nhà nước.

Tôn trọng báo chí, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình là phải tuân thủ theo pháp luật, chứ không phải là nỗi sợ vu vơ của người làm sai khi gặp báo chí, nhất lại là “báo chí rởm”, báo chí “đen”!

Cũng đã tới lúc phải chấn chỉnh mạnh hơn nữa mặt trái của cái kiểu “tôi làm báo, anh làm báo, nó làm báo” tràn lan, vô chính trị, thiếu chuyên nghiệp, đẻ ra cơ quan báo chí mà chỉ quản đầu rồi thả lỏng “chân tay” khua khoắng vô tội vạ, hoặc buông lỏng cả đầu lẫn “chân tay” như một thứ “con giời” không ai kiểm soát, chỉ lo định mức kinh tế thu về mà quên đi đạo đức của người cầm bút và trách nhiệm chính trị, ý thức công dân.

Rèn quân và nuôi quân, xưa nay vốn là đạo của người làm tướng. Có thực mới vực được đạo, thực túc binh cường, là logic của ổn định và phát triển. Nhưng bên cạnh đó còn một nguyên tắc, một logic nữa của sự tồn tại vững bền - đó là văn hóa, đạo đức và pháp luật.

Nhổ cỏ dại, quả độc là cần, nhưng điều cần hơn là làm sạch, tẩy độc cho mảnh đất có thể gieo mầm, dung dưỡng cho cái xấu từ những khiếm khuyết, chưa hoàn thiện của cơ chế, chính sách, pháp luật.

Trong tiến trình xây dựng đất nước tiến lên giàu mạnh từ hạ tầng lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, xây dựng lại, hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những thành tựu đáng mừng bên cạnh nhiều thách thức, khi nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn còn ngổn ngang, không thể đòi hỏi sau một đêm ngủ dậy, xã hội phải kỷ cương, mọi người đều ngay ngắn. Nhưng sẽ không có một xã hội như thế, con người như thế nếu trong mỗi ngày, trong mỗi bước đi, mỗi mầm thiện, cái tốt không được bảo vệ, nhân lên, từng cái sai không bị phê phán, dẹp bỏ cương quyết. Cần không gian tốt cho cái đẹp phát triển và cần cái đẹp dần chiếm ưu thế để tạo ra không gian sạch. Ðó là hai mặt của một vấn đề.

Từ “chuyến bay giải cứu” tới vụ Việt Á, từ đoàn thanh tra “nổi tiếng” đi cùng cái tên Vạn Thịnh Phát cho tới nhà báo rởm và những chuyến xe được bảo kê thật mới lộ sáng ở Hà Tĩnh, là những bài học đau xót! Nhưng chắc chắn, đó là những việc phải xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm, không có rào cản, vì một sự ổn định và phát triển chung.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top