Pháp luật và cuộc sống: Tự làm pháo theo mạng - vui một lúc, ân hận cả đời

10:12 - Thứ Sáu, 26/01/2024 Lượt xem: 5057 In bài viết

Gần đến Tết Nguyên đán, ở nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ, trong đó có nhiều nạn nhân đang ở tuổi học sinh.

Mới đây, nam sinh NHC, 14 tuổi, ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng giập nát bàn tay phải và tổn thương nhiều nơi trên cơ thể do thuốc pháo phát nổ trong khi tự quấn pháo.

Trước đó, ngày 8-1, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận hai bệnh nhân cùng 14 tuổi, ở xã Hòa Bắc, huyện Di Linh trong tình trạng hôn mê, trên cơ thể bị nhiều vết thương xuyên thấu, vỡ gan, thủng ruột, thủng khí quản, thủng phổi khi cả hai đang cùng nhau tự chế pháo. Tại Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), những ngày qua, Khoa liên tục tiếp nhận điều trị hàng chục trường hợp học sinh bị tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Ngoài các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực và nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, để lại sẹo xấu, co kéo, hầu hết đều có vết thương ở bàn tay, cụt ngón và đều phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu do vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao, để lại di chứng cả cuộc đời, ảnh hưởng tới chức năng sinh hoạt, lao động.

Ảnh minh họa / cand.com.vn

Tìm hiểu cho thấy hầu hết các em đều học làm pháo nổ theo những video trên internet nên không biết hết nguy hiểm của thuốc nổ khi bị ma sát hay va chạm. Gõ từ khóa trên YouTube, chúng tôi thấy có hàng chục video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hướng dẫn rất chi tiết việc chọn vật liệu, liều lượng, cách trộn các loại hóa chất, cách quấn pháo... Thậm chí, nhiều người làm video còn đốt luôn quả pháo vừa hướng dẫn làm xong để chứng minh hiệu quả và phía dưới phần bình luận, nhiều người không ngớt lời khen, xin công thức làm pháo. Không chỉ ở YouTube, trên Facebook cũng hình thành các nhóm riêng tư về chơi pháo và tự làm pháo. Ngoài việc chia sẻ cách làm pháo, đây cũng là nơi có thể mua thuốc pháo và nguyên liệu.

Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định nghiêm cấm các hành vi như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, sử dụng pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ. Đồng thời, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức. Ngoài bị xử lý về mặt hành chính, người có hành vi liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo còn có thể bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể: Người đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

 Để ngăn ngừa các vụ việc do pháo nổ tự chế gây ra, gia đình cần quan tâm sát sao con em mình, ngăn chặn sớm hành vi tự chế và sử dụng pháo trái phép; cơ quan chức năng và nhà trường cần cảnh báo những hệ lụy do tự chế pháo và các quy định của pháp luật; cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội liên quan đến vấn đề này để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra như thời gian qua.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top