Ngăn chặn hàng giả, hàng gian tuồn vào các tỉnh phía Nam

15:25 - Thứ Hai, 29/01/2024 Lượt xem: 4975 In bài viết

Bình Dương là tỉnh không có biên giới quốc gia nên hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm không diễn ra công khai, phức tạp như một số địa phương.

Tuy nhiên, do Bình Dương có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi để trung chuyển hàng lậu, hàng cấm từ Bắc vào Nam, từ các tỉnh biên giới như Long An, Tây Ninh, Tây nguyên về các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ nên công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Bình Dương còn rất khó khăn, phức tạp.

Ngày 17/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Trạm chăn nuôi, thú y TP Thuận An kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm Khu dân cư Vĩnh Phú 1, phường Vĩnh Phú (TP Thuận An, Bình Dương) do bà Quách Thị Ngoan (SN 1987; ngụ TP Hồ Chí Minh) làm chủ hộ. Đoàn kiểm tra phát hiện một số sai phạm như: tại khu vực chứa đựng, kho bảo quản thực phẩm của công ty không có đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải với sản phẩm phục vụ để kinh doanh; 330kg thịt gà xay đông lạnh đã biến đổi màu sắc, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng. Trong quá trình hoạt động, cơ sở này không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Cơ quan chức năng ở Bình Dương kiểm tra cơ sở sản xuất sữa giả thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng/tháng.

Tiếp đến, ngày 18/1, lực lượng phối hợp trên kiểm tra tại điểm kinh doanh số 3 của Công ty TNHH thực phẩm Tư Nam (phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) cũng phát hiện những sai phạm tương tự, trong đó có hơn 39kg ba chỉ bò cuộn không ghi thời hạn sử dụng, trong khi theo quy định bắt buộc phải ghi. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vụ việc, đồng thời buộc cơ sở tiêu hủy 357kg ba chỉ bò phế thải và 39kg thịt bò ba chỉ cuộn không có thời hạn sử dụng nói trên.

Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra Công ty TNHH TM DV Trí Tiến ở phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) do bà Hoàng Thị Mỹ Nhung (SN 1985, ngụ Bình Dương) là người đại diện theo pháp luật. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bà Nhung đang cho 4 nhân viên tổ chức phối trộn 3 loại nho sấy khô có nguồn gốc do Ấn Độ sản xuất để đóng hộp thành 159 thùng (1.908 hộp, loại 425gam/hộp) sản phẩm nho sấy khô mang nhãn hiệu Sunview Raisins có nguồn gốc do Mỹ sản xuất. Ước tính tổng trị giá nho khô này là khoảng 350 triệu đồng. Thị trường mà bà Nhung phân phối nho khô giả là ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và bán hàng qua mạng xã hội từ tháng 10/2023 đến khi bị phát hiện.

Cũng sản xuất hàng giả nhưng với quy mô lớn hơn là Vũ Thành Công (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) cùng 8 đồng phạm. Qua kiểm tra 4 địa điểm do Công thuê để sản xuất hàng giả, cơ quan chức năng đã tạm giữ tang vật gồm: 7.525 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 200 kiện hàng chứa vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng (khoảng 150.000 vỏ lon); 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa… cùng nhiều loại phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị ước tính khoảng 14,5 tỷ đồng. Công hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa bột từ ngày 24/11/2023 đến nay và đã hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 3 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng hoạt động. Các loại sữa giả gồm nhiều nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được sản xuất tại nước ngoài, chưa được phép sản xuất tại Việt Nam.

Để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện thì khoảng 1 tháng, Công thay đổi địa điểm hoạt động sản xuất một lần. Lúc 22h35, ngày 17/1, trong lúc đang tuần tra trên đường ĐT 749A, đoạn qua xã Long Hoà, huyện Dầu Tiếng, Tổ tuần tra đặc biệt 171 Công an huyện phát hiện xe ôtô tải biển số 93H-002.81 do tài xế T.N.T (SN 1988, quê Bình Phước) điều khiển có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra lực lượng thừa hành nhiệm vụ phát hiện trong thùng xe có chứa 80 thùng thịt đông lạnh, khoảng 800kg. Tài xế chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số thịt trên.

Trước đó, Tổ tuần tra 171 Công an huyện Bàu Bàng (Bình Dương) phát hiện hai vụ vận chuyển thịt heo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đi tiêu thụ. Đó là vụ ôtô tải biển số 61C-524.76 do tài xế T..V.T (SN 1992; quê Thanh Hoá) điều khiển, vận chuyển khoảng 20 con heo đã chết bốc mùi hôi thối và xe ôtô tải biển số 61E-012.70 do tài xế Đ.T.C (SN 1977; quê Bình Dương) vận chuyển khoảng 1,5 tấn thịt, nội tạng heo không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối mang đi tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương còn tăng cường kiểm tra hàng hóa tại ga Sóng Thần, TP Dĩ An, Bình Dương, phát hiện 4 vụ việc vận chuyển hàng hóa là đồ điện tử, thuốc tây, đồ gia dụng, rượu ngoại, đồ trang điểm, máy phun sơn, máy xay đa năng, đèn năng lượng mặt trời, quần áo chưa qua sử dụng… do nước ngoài sản xuất. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, ước trị giá gần 900 triệu đồng…

Thiếu tá Trần Ngọc Phương, Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các vụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Công an Bình Dương phát hiện, triệt xóa phần lớn có thị trường tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top