Đừng vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết

16:35 - Thứ Hai, 29/01/2024 Lượt xem: 5332 In bài viết

ĐBP - Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng và mua bán pháo trái phép càng diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại của việc tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép; qua đó góp phần hạn chế những tác động tiêu cực do các loại pháo gây ra với cộng đồng.

3 học sinh tự chế pháo nổ bị Công an huyện Điện Biên phát hiện và xử lý theo quy định.

Vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 02/01/2024, tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên), lực lượng Công an huyện đã vận động 03 trường hợp gồm: V.T.S (sinh năm 2010), N.X.Đ (sinh năm 2008), cùng trú tại thôn Văn Biên, xã Noong Hẹt và T.K.C (sinh năm 2011), trú tại xã Xa Dung (huyện Điện Biên Đông) giao nộp 93 quả pháo tự chế, có trọng lượng 4kg. Qua vận động thu hồi và xác minh nguồn gốc thuốc pháo, các cháu trình bày đã đặt mua thuốc pháo trên mạng shopee với mục đích chế tạo, sử dụng trong dịp Tết sắp tới. Toàn bộ nguyên liệu và pháo tự chế Công an huyện Điện Biên đã xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Điều lo ngại và nghiêm trọng hơn là cả 3 trường hợp vi phạm vẫn đang tuổi học sinh, chỉ vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật, đặt mua thuốc pháo tự chế pháo nổ.

Dụng cụ và thuốc nổ do 3 học sinh chuẩn bị chế tạo pháo nổ.

Ngoài tự ý chế tạo pháo nổ, thời gian gần đây, lợi dụng các trang mạng xã hội, như: facebook, zalo, telegram, nhiều người thản nhiên đăng bán pháo hoa trái phép. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật về quản lý, sử dụng pháo của một bộ phận nhân dân, cùng với tình trạng khan hàng và nhu cầu mua pháo sử dụng trong dịp tết tăng cao, một số đối tượng rao bán pháo của Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng), pháo hoa lậu trên mạng xã hội. Các đối tượng thường sẽ rao bán với mức giá thấp, kèm lý do mua thừa hoặc không có nhu cầu dùng nữa để bán. Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

Các loại pháo hoa được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 14 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Trong cả nước đã có nhiều trường hợp bị phạt vì bán pháo hoa không có giấy phép.

Theo quy định pháp luật chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ được phép sử dụng các loại pháo hoa tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc chứ không gây ra tiếng nổ, không chứa thuốc nổ vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty TNHH MTV hóa chất 21 (tại số nhà 401A, tổ dân phố 8, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự lĩnh vực kinh doanh pháo.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 1 địa điểm được phép kinh doanh pháo hoa trực thuộc Công ty TNHH MTV hóa chất 21. Trong ảnh: Đơn vị hiện có 1 gian hàng giới thiệu sản phẩm pháo hoa tại Trung tâm Thương mại Him Lam Plaza.

Để phát hiện, ngăn chặn các hành vi chế tạo, buôn bán và sử dụng pháo nổ trái pháp luật, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tăng cường cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn, phối hợp với các lực lượng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo. Thượng tá Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Công an tỉnh) cho biết: Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tuyên truyền, phổ biến đến tận thôn, bản, tổ dân phố và tổ chức cho cán bộ, nhân dân, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn ký cam kết chấp hành các quy định của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ. Tăng cường cán bộ, chiến sĩ chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động để nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về các hành vi bị cấm liên quan đến pháo, tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại pháo, hình thức xử lý vi phạm về pháo. Kết quả đã phát 608 tin, bài, tuyên truyền được 355 buổi với 18.588 lượt người tham gia; tổ chức cho 43 tổ dân phố, bản, trường học ký cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo. Đồng thời phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, hải quan... tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm, các bến xe, chợ, trung tâm thương mại, khu vực biên giới, cửa khẩu để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực pháo. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ 15/12/2023 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, vận động 7 trường hợp giao nộp 134 giàn pháo hoa do Công ty TNHH một thành viên hóa chất 21 sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ bán hàng theo quy định; 93 quả pháo tự chế, có trọng lượng 4kg.   

Vẫn biết, nhiều người chỉ muốn không khí những ngày tết thêm phần náo nhiệt nên mới sử dụng pháo, song đừng vì sự thiếu hiểu biết của mình về các quy định của Nhà nước liên quan đến quản lý, sử dụng pháo mà tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Mọi người hãy tỉnh táo và nâng cao nhận thức, không được tự ý nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. Nếu có nhu cầu sử dụng trong những ngày tết hãy mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Khi sử dụng phải đảm bảo an toàn; đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về quản lý, sử dụng pháo. Ý thức chấp hành của mỗi cá nhân, gia đình sẽ là nhân tố quan trọng mang đến một cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thêm đầm ấm, vui vẻ và an toàn…

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định:

- Loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm), gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ. Các loại pháo nêu trên người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

- Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa. Đây là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

 

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top