Cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng dịp Tết

10:32 - Thứ Ba, 30/01/2024 Lượt xem: 5139 In bài viết

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có khuyến cáo về một số hình thức lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán như: Chiêu trò lừa đảo xin việc, lên mạng xã hội kêu gọi từ thiện, cài đặt app giả mạo dịch vụ công dịp Tết, tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là người cao tuổi, trẻ em...

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trên mạng bị Công an quận Hà Đông bắt giữ, tháng 1-2024.

Lừa đảo cài đặt ứng dụng giả mạo dịch vụ công

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người dân bị lừa cài đặt dịch vụ công giả mạo và bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người bị chiếm đoạt ít nhất là 252 triệu đồng. Các đối tượng thường nhằm vào những người cao tuổi, ít am hiểu về công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Một trong các nạn nhân là anh V., trú tại quận Long Biên, sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A., trú tại quận Hai Bà Trưng, bị một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên Công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Do chị A. bận nên cán bộ công an quận giả mạo hướng dẫn cập nhật qua mạng. Sau khi tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng...

Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn của những đối tượng là tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Sau đó, giả danh là công an thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công…; hướng dẫn nạn nhân cập nhật qua mạng vì để tiết kiệm thời gian.

Các đối tượng tiếp tục dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công; từ đó, mã độc sẽ tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại. Sau khi đã cài mã độc vào thiết bị của nạn nhân, các đối tượng sẽ lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Dù đây không phải chiêu trò mới nhưng vẫn có nhiều người dân bị sập bẫy do không am hiểu về công nghệ cũng như không thường xuyên cập nhật thông tin về dịch vụ công nhà nước và an toàn không gian mạng.

Cẩn trọng về chương trình tuyển mẫu thời trang

Hiện nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) thường xuyên phát thông báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia các hoạt động hướng tới đối tượng là trẻ em như: Tham gia diễn giả nhí, tham gia người mẫu nhí, tham gia trại hè...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng tiếp tục mở rộng đối tượng hướng tới là phụ nữ lứa tuổi trung niên, thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook.

Các đối tượng lập ra Fanpage trên mạng xã hội và đăng tải các thông tin tuyển mẫu ảnh thời trang quý bà như: Công ty cần Tuyển Mẫu ảnh Quý Bà Thanh Lịch; Cơ hội để bạn tỏa sáng, hiện thực hóa vẻ đẹp quý phái và sức quyến rũ của mình qua ống kính tài năng của các nhiếp ảnh gia hàng đầu; Hãy khám phá vẻ đẹp thanh lịch và sự duyên dáng của những bức ảnh với các quý bà hiện đại; Chúng tôi tìm kiếm những người phụ nữ tỏa sáng với phong cách riêng biệt, đẳng cấp và quyến rũ.

Thông qua Fanpage, khi các nạn nhân có nhu cầu và liên hệ, các đối tượng sẽ cung cấp số điện thoại, kết bạn Zalo và thông tin cá nhân để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, các quý bà sẽ được tham gia vào các hoạt động nhóm và yêu cầu chọn các sản phẩm như: Váy, túi xách, nước hoa, đồng hồ… với số tiền khác nhau.

Một nạn nhân của chiêu trò, là bà Q., trú tại Hà Nội. Sau khi mua sản phẩm và được hoàn lại gần 20 triệu, bà Q., tiếp tục thực hiện thêm 10 lần giao dịch với tổng số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không được hoàn lại tiền.

Trước chiêu trò đăng ký tuyển mẫu thời trang quý bà để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không chuyển tiền theo yêu cầu lừa đảo. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là người trung niên; trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi và tin nhắn lạ có liên quan đến cán bộ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, cũng như không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Không truy cập vào các đường link nhận được qua tin nhắn; cảnh giác với các yêu cầu cài đặt phần mềm.

Bên cạnh đó, người dân cũng nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, Face ID (nhận diện khuôn mặt)... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán; không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng điện thoại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top