Để người dân nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật

07:51 - Thứ Sáu, 02/02/2024 Lượt xem: 6434 In bài viết

ĐBP - Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, nhờ đa dạng hoá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có hơn 23km đường biên giới, dân cư phân bố không đều, nhiều bản cách xa trung tâm xã nên công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), đấu tranh phòng chống các loại tội phạm luôn là nhiệm vụ quan trọng được đặc biệt quan tâm.

Hàng năm, bám sát tinh thần chỉ đạo, kế hoạch của các cấp về công tác quốc phòng - an ninh, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhất là lực lượng công an xã thường xuyên bám sát cơ sở chủ động nắm chắc tình hình biên giới, nội địa, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân thông qua việc lồng ghép tại các buổi họp bản, tổ tự quản; nêu rõ những phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để nhân dân biết, đề cao cảnh giác và phòng ngừa.

Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp lực lượng chức năng phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thông qua phong trào, nhiều người dân đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân, cung cấp các nguồn tin có giá trị để cơ quan chức năng nắm rõ. Riêng từ năm 2023 đến nay, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng gần 20 nguồn tin có giá trị, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 455km đường biên giới, tiếp giáp với 2 nước: Lào và Trung Quốc. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, do vậy, nhận thức của người dân về pháp luật có nơi, có lúc vẫn còn hạn chế. Cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... thông qua tuyên truyền miệng; cổ động trực quan; “Ngày Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thi đua; hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải… Từ năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức gần 1.500 buổi phổ biến pháp luật. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới đã giảm đáng kể, an ninh trật tự được giữ vững; nhân dân tin tưởng vào chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân luôn được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Hàng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép thực hiện với các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều cách làm, hành động thiết thực, cụ thể, có thể khẳng định, ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể; từ đó tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Đến nay, tỷ lệ thôn, bản đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước đạt 87,8% (1.270/1.446). Riêng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 106 nghìn hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, chiếm 77,4%; 1.234 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, bản, khu dân cư văn hóa”, chiếm 85,4%... 13/14 phường, thị trấn đạt danh hiệu chuẩn đô thị văn minh, chiếm 92,8%...

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top