Lừa đảo trực tuyến đang "bủa vây" trên mạng

07:18 - Chủ Nhật, 04/02/2024 Lượt xem: 6071 In bài viết

Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chống lừa đảo Việt Nam mới đây đã phối hợp công bố một báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023. Báo cáo của tổ chức này được thực hiện dựa trên một cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ ảnh hưởng của tình trạng lừa đảo trực tuyến.

Theo GASA, trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. Facebook và Gmail hiện nổi lên như những kênh lừa đảo chính để tiếp cận nạn nhân tại Việt Nam. 71% số người được hỏi gặp phải lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này. Bám sát theo đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%), chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 trong các kênh được những kẻ lừa đảo khai thác nhiều nhất. Lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người được hỏi báo cáo về hình thức này.

GASA cho rằng, nếu áp dụng những số liệu này trên phạm vi toàn quốc, tổng thiệt hại mà các vụ lừa đảo gây ra đối với Việt Nam có thể lên tới 391,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,23 tỷ USD). Cũng theo báo cáo của GASA, 70% người Việt Nam phải đối mặt với các trò lừa đảo ít nhất 1 lần mỗi tháng. Tuy vậy, 55% người Việt được hỏi "rất tự tin" về việc họ có thể nhận diện được các vụ lừa đảo; 14% cho biết họ "hoàn toàn không tự tin" trước những vụ lừa đảo như hiện nay.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong 11 tháng đầu năm 2023, Cục đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Còn theo thống kê từ hệ thống Viettel Threat Intelligence, trong năm 2023, đã phát hiện gần 5.900 tên miền lừa đảo, con số gấp 1,3 lần so với năm 2022 và gấp 6,2 lần so với năm 2020.

Các kịch bản lừa đảo được xây dựng chi tiết, tinh vi hơn, hướng chủ đích tới nạn nhân, giúp tăng khả năng thành công của các nhóm lừa đảo. Nếu xét theo lĩnh vực, nhóm ngành tài chính - ngân hàng vẫn tiếp tục là mục tiêu hàng đầu các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo, chiếm tới 54% trong tỷ lệ tấn công lừa đảo, giả mạo. Tiếp đó là ngành bán lẻ thương mại điện tử với 16%. Đáng chú ý, năm 2023 cũng ghi nhận sự nổi lên của các cuộc tấn công giả mạo cơ quan chức năng tại Việt Nam, chiếm 9% trong tổng số các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc phụ trách an ninh mạng của BKav cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lừa đảo trực tuyến có dấu hiệu gia tăng tại Việt Nam là do tình trạng mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng đang diễn ra quá dễ dàng. Nhiều người cho rằng, bán đi các tài khoản mình không sử dụng sẽ không vấn đề gì song thực tế kẻ xấu đã lợi dụng những tài khoản này để thực hiện các giao dịch phi pháp, giấu nguồn gốc, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Hiện trên các kênh chợ đen trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Telegam…, việc mua bán tài khoản ngân hàng rác diễn ra nhộn nhịp. Chỉ tính riêng trong năm 2023, cơ quan Công an đã triệt phá nhiều đường dây buôn bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng ra nước ngoài với giá trị giao dịch các tài khoản này lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Chia sẻ với PV Báo CAND về những giải pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân cũng như các biện pháp kỹ thuật như tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; thúc đẩy phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời các nhóm tội phạm công nghệ cao; tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top