Quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

16:02 - Thứ Hai, 04/03/2024 Lượt xem: 4580 In bài viết

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Một trong những nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Không ký kết, thực hiện các hoạt động hợp tác phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia.

Những nguyên tắc khác là: Chủ động lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam, chủ trương định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan. 

Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hợp tác tốt với Việt Nam, chú trọng tính bền vững của hoạt động hợp tác. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và đề cao trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Theo Nghị định, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau:

a- Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

b- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

c- Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật.

d- Cải cách tư pháp.

Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện dưới các hình thức: Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.

Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện lại quy trình, thủ tục xin ý kiến tại Nghị định này. Việc tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của Nghị định này.

Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện việc phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định này. 

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top