Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và không gian mạng, nhu cầu mua hàng online gia tăng, các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trực tuyến cũng ngày càng phong phú và biến hóa.
Cảnh giác khi mua hàng online. |
Lợi dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số, sự thiếu cẩn trọng của người mua và người bán, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Khi "chốt đơn" hàng bán hàng online trên các mạng xã hội Facebook, Tiktok,… khách hàng thường để lại thông tin như số điện thoại, địa chỉ công khai trên các bình luận.
Tìm hiểu và theo dõi quá trình mua, bán này, các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản Zalo có tên trùng với tên của cửa hàng, trực tiếp nhắn tin với khách hàng để “chốt đơn” và cung cấp số tài khoản nhận tiền trùng với tên của chủ cửa hàng. Người mua do chủ quan, khi thấy tài khoản Zalo và số tài khoản ngân hàng trùng với tên cửa hàng mình mua nên đã chuyển tiền mua hàng.
Một chủ cửa hàng bán hoa online trên Facebook cho biết tài khoản zalo, facebook, ngân hàng của chị không bị tội phạm chiếm đoạt và phong tỏa. Tuy nhiên, khi người giao hàng yêu cầu khách hàng trả tiền đơn đặt từ cửa hàng, mới phát hiện ra người mua đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Do đối tượng đã xem bình luận "chốt đơn" của cửa hàng chị T để nhắn tin cho khách yêu cầu chuyển khoản bằng tài khoản Zalo và tài khoản ngân hàng đúng tên chị T. Do đây là cửa hàng quen, từng nhiều lần giao dịch nên khách không "ngần ngại" chuyển vào số tài khoản các đối tượng lừa đảo cung cấp hơn 20 triệu đồng.
Chỉ đến khi người giao hàng đến yêu cầu thanh toán, cả người mua và người bán phát hiện mình đều là “nạn nhân”.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, điện thoại không chính chủ, không rõ lai lịch tiến hành các hành vi mua bán ảo, nhận cọc tiền mua hàng nhưng không giao hàng, chiếm đoạt tiền đặt cọc và chặn liên lạc với nạn nhân.
Những đối tượng hoạt động rất tinh vi, liên tục thay đổi địa điểm cư trú, số điện thoại liên lạc, thiết bị đăng nhập và mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng khác cũng như tiếp tục có hành vi lừa đảo thêm nhiều bị hại mới.
Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và ham rẻ của người tiêu dùng để dụ dỗ họ mua các sản phẩm giảm giá, khuyến mãi, quà tặng hoặc các sản phẩm cao cấp, hiếm có nhưng lại có giá rẻ bất thường. Sau khi nhận được tiền cọc hoặc toàn bộ số tiền thanh toán của khách hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ không giao hàng hoặc giao hàng sai chất lượng, sai mẫu mã và từ chối hoàn trả tiền.
Để phòng tránh lừa đảo, lực lượng chức năng khuyến cáo:
Đối với người bán: cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch.
Đối với người mua: cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ “ship COD” trong các giao dịch mua bán. Thận trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính thông qua mạng xã hội.
Cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán hàng, sản phẩm, giá cả, chính sách bảo hành và hoàn trả hàng; không chuyển tiền trước khi nhận được hàng hoặc chỉ chuyển qua các kênh thanh toán uy tín; không để lộ thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng hay mã OTP cho người lạ; khi phát hiện bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý kịp thời theo quy định.