Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn của tội phạm tinh vi, liều lĩnh. Chủ động kiểm soát tình hình với nỗ lực tổ chức đợt cao điểm đấu tranh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật là yêu cầu được quán triệt tới các đơn vị trong toàn ngành hải quan.
Lực lượng đội cơ động, Cục Quản lý thị trường Lào Cai kiểm tra xuất xứ hàng hóa. (Ảnh QUỐC KHÁNH) |
Nóng trên các tuyến đường
Theo báo cáo tổng hợp từ cục hải quan các tỉnh, thành phố trong cả nước, tại một số địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, lợi dụng việc được hệ thống giám sát hải quan phân luồng xanh, các phương tiện vận tải đường bộ, đường sông, đường biển có khả năng gia cố các thùng, khoang, hầm hàng để chở hàng lậu kèm theo hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong hoạt động trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập-tái xuất, gửi kho ngoại quan, các loại thực phẩm, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, rượu, bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… xuất đi Trung Quốc và Campuchia rất dễ bị thẩm lậu vào nội địa tại các địa bàn trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để tiêu thụ.
Trên tuyến Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai các mặt hàng bánh kẹo, rau, củ quả, thuốc bắc, gia vị thực phẩm, gia cầm, quần áo, giày dép có khả năng thẩm lậu cao. Tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu..., mặt hàng vi phạm chủ yếu là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, thiết bị vệ sinh, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, bánh kẹo.
Ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh nóng mặt hàng động thực vật hoang dã, lợn, trâu, bò, gia cầm; các địa phương: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp là mặt hàng thuốc lá, đường ăn, lúa gạo. Tại địa bàn các tỉnh, thành phố có cảng hàng không dân dụng quốc tế, đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh..., hành lý của hành khách xuất, nhập cảnh, hành lý của tiếp viên, tổ bay, hàng hóa xuất, nhập khẩu qua tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế nhiều khả năng tập trung vận chuyển ma túy, vũ khí được trà trộn vào các mặt hàng tiêu dùng.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra rất phức tạp, tập trung chủ yếu từ các nước châu Âu, châu Mỹ qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và tuyến đường bộ từ Lào thực hiện trung chuyển qua Việt Nam. Tính riêng tháng 2/2024, lực lượng hải quan đã phối hợp, phát hiện, bắt giữ 29 vụ, 12 đối tượng; thu giữ 9,7 kg cần sa; 3,15 kg heroin; 30,4 kg ketamine; 119,43 kg ma túy tổng hợp.
Bảo đảm an ninh, an toàn xã hội
Vừa qua, Tổng cục Hải quan luôn nêu rõ yêu cầu quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách nhà nước; chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Quá trình tổ chức triển khai kế hoạch chống buôn lậu phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật nhưng luôn tạo điều kiện thuận lợi, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hóa; yêu cầu đơn vị được phân công thực hiện nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, không tiêu cực, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Tổng Cục trưởng Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đề nghị, các đơn vị trong toàn ngành làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như: Khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu tập kết hàng hóa gần biên giới, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất, nhập cảnh.
Lực lượng hải quan chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an, cảnh sát biển… trong đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hóa vi phạm; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn; thông tin liên quan hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc, bảo đảm không lộ thông tin, đối tượng.
Đặc biệt, chú trọng kiểm soát, ngăn chặn tội phạm ma túy tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Tổng Cục trưởng Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, các cục hải quan cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động quần chúng nhân dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.