Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tiền tỷ qua mạng

13:17 - Thứ Bảy, 30/03/2024 Lượt xem: 5951 In bài viết

Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Không chỉ đánh vào tâm lý hám lợi, sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa đảo; một số đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỷ đồng, khiến người dân “sập bẫy”.

Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu, gần đây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu phức tạp, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là lợi dụng việc người dân ở một số vùng nông thôn không được tiếp cận đầy đủ, chính xác các thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo; hoặc đánh vào tâm lý hám lợi, sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân để chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo hoặc sử dụng công nghệ cao để tạo các đường link chứa mã độc chiếm đoạt tài sản người dân, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng tiền từ thiện qua mạng Internet.

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất mà tội phạm lừa đảo thường sử dụng là thông qua hình thức chơi hụi. Vốn là một hình thức “góp tiền sinh lãi” có từ lâu đời, phổ biến tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, việc chơi hụi ngày nay quá nhiều biến tướng, dễ dàng phát sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều tra, xử lý trên 15 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi, thiệt hại tài sản trên 80 tỷ đồng. Đặc biệt gần đây, một số đối tượng còn tinh vi khi tạo lập các đường dây hụi thông qua các nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo, sử dụng tài khoản ảo tạo hụi viên khống nhằm chiếm đoạt tài sản. Điển hình, tháng 12/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Ngân (SN 2000, ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, từ năm 2022, Ngân mở nhiều dây hụi giá trị khoảng 20 triệu đồng thông qua Zalo. Những người tham gia chơi được lập một nhóm riêng để khui hụi, đóng hụi và chuyển khoản ngân hàng. Sau đó, Ngân dùng các tài khoản ảo lấy tên các hụi viên khống tham gia hốt hụi, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án lừa đảo bằng hình thức chơi, Thiếu tá Trương Minh Đương, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thực tế cho thấy rủi ro từ việc chơi hụi là rất cao. Bởi, hụi thường phổ biến ở các vùng nông thôn, người dân ít có điều kiện được tìm hiểu, cập nhật những quy định của pháp luật. Mặt khác, việc chơi hụi thường thỏa thuận lời nói dựa vào sự tin tưởng giữa các hụi viên nên người dân dễ cả tin, mất cảnh giác, rơi vào cạm bẫy lợi nhuận cao, đến khi bị vỡ hụi thì khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, làm rõ các vụ án mà việc thu hồi tài sản cho các hụi viên cũng hết sức khó khăn”.

Một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người “sập bẫy” là việc các đối tượng thành lập các “công ty ma”, “dự án ảo” để lừa đảo khách hàng. Liên quan đến thủ đoạn này, cuối tháng 9/2023, Nguyễn Minh Tân (SN 1991, Giám đốc Công ty Linh Yến Phi, TP Bạc Liêu), bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm 2022, Tân thành lập nhiều chi nhánh công ty nhưng thực tế không hoạt động. Sau đó lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty Linh Yến Phi, Tân đưa ra nhiều thông tin gian dối để huy động vốn, như: Cho vay đáo hạn ngân hàng; đóng thuế dự án; trả tiền thu mua tôm... chiếm đoạt gần 26 tỷ đồng.

Một số đối tượng còn lợi dụng quen biết để môi giới mua bán đất rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc; thậm chí làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Điển hình, Quảng Trường Giang (SN 1982, ngụ TP Bạc Liêu) bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam ngày 24/1 về hành vi lừa đảo. Theo đó, tháng 7/2022, Giang thỏa thuận bán cho một người ở phường 7 (TP Bạc Liêu) 2 thửa đất với số tiền 4,4 tỷ đồng. Sau khi thống nhất, người này đặt cọc 600 triệu đồng cho Giang. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Giang không làm thủ tục chuyển nhượng đất mà nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương. Trước đó, tháng 3/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Kỷ (SN 1957) và vợ Võ Thị Trinh (SN 1963, ngụ huyện Phước Long) về hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.

Gần đây, một số đối tượng còn lợi dụng không gian mạng hoặc sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo với phương thức vô cùng tinh vi, khiến người dân như rơi vào “ma trận” chực chờ “sập bẫy”. Trung tá Nguyễn Văn Đương, Trưởng phòng An ninh mạng Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát để gọi điện cho người dân, thông báo họ có liên quan đến một vụ án đang điều tra; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng với lý do phục vụ điều tra nhằm chiếm đoạt tài sản. Hoặc tự xưng là Công an yêu cầu người dân chụp ảnh CCCD và các giấy tờ tùy thân để kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sau đó đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản. Một số đối tượng còn tạo ra các đường link chứa mã độc, khi người dân truy cập vào sẽ bị hack tài khoản, sau đó các đối tượng sẽ giả mạo để lừa đảo tài sản của bạn bè, người thân của họ.

Cuối tháng 12/2023, một phụ nữ ngụ phường 3, TP Bạc Liêu nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên tổng đài Viettel, thông báo về việc có người sử dụng thông tin cá nhân của bà đăng ký sim điện thoại rồi kêu gọi quảng cáo, lừa đảo trúng thưởng tại TP Đà Nẵng. Sau đó chuyển máy cho người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng tiếp tục nói chuyện. Người này yêu cầu bà đến Ngân hàng Liên Việt để mở tài khoản, nộp toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản và gửi mật khẩu đăng nhập để phục vụ điều tra. Vì lo sợ bản thân liên quan đến vụ án, nên người phụ nữ này lập tức đi mở tài khoản ngân hàng, chuẩn bị nộp 180 triệu đồng vào tài khoản. Tuy nhiên, nhận thấy đối phương liên tục thúc giục, nên người này đến Công an TP Bạc Liêu trình báo nên không “sập bẫy”. Cũng trong tháng12/2023, Phòng CSHS, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp triệt phá thành công chuyên án các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện qua mạng Internet. Theo đó, Nguyễn Hồng Hận (SN 1999), Nguyễn Khánh Duy (SN 1995), Huỳnh Thanh Toàn (SN 1997), Trần Thị Kiều (SN 1970) và Lê Huyền Trân (SN 2004, cùng ngụ tỉnh Bạc Liêu), đã cắt ghép thông tin, hình ảnhcác hoàn cảnh khó khăn rồi đăng lên các hội, nhóm thiện nguyện trên Facebook để kêu gọi hỗ trợ, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của hàng trăm người dân trên cả nước.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp; tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kịp thời điều tra, làm rõ các vụ án, thu hồi tài sản cho người dân. Tính riêng năm 2023 và quý I/2024, Công an các cấp trong tỉnh đã điều tra, làm rõ 54 vụ, liên quan 48 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều vụ án, nhiều bị can bị truy tố và đưa ra xét xử, bảo đảm tính răn đe chung cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top