Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hầu tòa phúc thẩm

09:49 - Thứ Tư, 15/05/2024 Lượt xem: 4435 In bài viết

Sáng nay (15/5), TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác trong vụ án kit test Việt Á. Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội do Thẩm phán Phạm Văn Tuyển làm chủ tọa phiên tòa.

Đầu giờ sáng, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á) cùng các bị cáo khác được áp giải đến phiên tòa để phục vụ hoạt động xét xử. Bị cáo Nguyễn Thanh Long được áp giải đến sau cùng và được đưa ngay vào phòng xét xử. 

So với thời điểm hầu tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long xuất hiện tại phiên tòa với gương mặt nhiều tâm trạng. Bị cáo Phan Quốc Việt vẫn giữ nét mặt như ở nhiều phiên tòa khác khi lúc đăm chiêu, lúc lại cười.   

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được áp giải đến phiên tòa phúc thẩm sáng 15/5. 

9h, Chủ tọa phiên tòa tiến hàng kiểm tra căn cước các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các nhà báo không được mang máy tính, điện thoại vào phòng xử án. Khi tác nghiệp, ngoài được sử dụng máy ảnh và máy quay phim, các nhà báo phải sử dụng giấy bút ghi chép diễn biến phiên tòa. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Trong vụ án này, bị cáo Phan Quốc Việt và bị cáo Nguyễn Thanh Long cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) kháng cáo đề nghị xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo.

Cùng có đơn kháng cáo là bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ), bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương), bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế)…

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt được áp giải đến phiên tòa phúc thẩm sáng 15/5.

Công ty Việt Á cũng kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit test xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án. Công ty Việt Á còn đề nghị các tổ chức mua kit test xét nghiệm không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo như hợp đồng đã ký kết.

Ngoài ra, Công ty Việt Á còn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, hạn chế giao dịch đối với các tài khoản ngân hàng của Công ty Việt Á và các công ty trong hệ thống của Công ty Việt Á không liên quan đến vụ án…

Một số cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét về phần tài sản liên quan đến họ.

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được áp giải đến phiên tòa phúc thẩm sáng 15/5.

Trước đó, chiều 12/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 38 bị cáo trong vụ án kit test Việt Á. Bị cáo Phan Quốc Việt bị tuyên phạt 29 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nguyễn Thanh Long bị tuyên phạt 18 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội về nhiều tội danh gồm: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top