Vấn đề kỳ này

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

20:33 - Thứ Năm, 18/07/2024 Lượt xem: 3205 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trong phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu, tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, đó là một số loại hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, lừa đảo, mua bán người xuyên quốc gia…

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2024, ngành chức năng của tỉnh đã xử lý 151 vụ về lừa đảo xuyên quốc gia, mua bán người, kinh tế, môi trường (tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Điều này cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người đang là vấn đề nhức nhối, phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Lý do loại tội phạm này còn “đất diễn” là tỉnh ta có đường biên giới dài tiếp giáp 2 nước Lào và Trung Quốc, có nhiều đường tiểu ngạch xuyên rừng; cộng đồng các dân tộc hai bên biên giới có nét văn hoá tương đồng, thường xuyên thăm thân, qua lại trao đổi hàng hoá.

Với 19 dân tộc thiểu số sinh sống, một bộ phận người dân trình độ nhận thức về pháp luật hạn chế, nhẹ dạ cả tin, thiếu việc làm, kinh tế khó khăn… nên bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đưa ra nước ngoài lao động với mức thu nhập cao, nhưng thực chất là bán sang bên kia biên giới. Tại các bản, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, những trường hợp vắng mặt tại địa phương lâu ngày không rõ nguyên nhân không phải là hiếm.

Thủ đoạn của tội phạm mua bán người thời gian gần đây là sử dụng các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo… để kết nối, làm quen với các nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ, những cô gái nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn…). Nắm được tâm lý của những cô gái trẻ, bọn chúng thường tặng quà như: điện thoại, quần áo, giày dép, dây chuyền hoặc rủ đi chơi, tham quan du lịch, giả vờ yêu đương, hứa hẹn tìm kiếm việc làm nhàn hạ nhưng có thu nhập cao… sau đó đưa nạn nhân lên khu vực biên giới và bán sang Trung Quốc, Lào, kể cả đưa sang nước thứ 3.

Con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 5 năm gần đây, có gần 300 trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa bàn, nghi bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc, Lào… tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên Đông, để lại hệ luỵ rất nặng nề cho gia đình và xã hội.

Đấu tranh với tội phạm mua bán người, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Mới đây nhất là Kế hoạch số 2619/KH-UBND ngày 13/6/2024 về triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7) trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò “chủ công” trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thường xuyên tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tập trung khảo sát tình hình tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán người ở nội tỉnh, liên tỉnh; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức kết hợp với phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm.

Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người hết sức tinh vi, xảo quyệt, có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành đường dây phạm tội khép kín. Do đó, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hiệu quả hơn nữa đến mọi tầng lớp nhân dân về thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Nội dung tuyên truyền thường xuyên phải đổi mới, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng tại các địa bàn trọng điểm phức tạp, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài, số em gái có hoàn cảnh đặc biệt...

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển KT - XH, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm có các giải pháp tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp bà con cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực, dịch vụ, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và tích cực đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật của các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống mua bán người; kịp thời xác minh, làm rõ các trường hợp nghi vấn là nạn nhân bị mua bán để hỗ trợ, bảo vệ, hồi hương công dân theo quy định.

Ngoài công tác đấu tranh của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Không để kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến tương lai, vận mệnh của mình và người thân.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top