Bắt đầu xét xử Chủ tịch Tập đoàn FLC và 49 bị cáo

10:19 - Thứ Hai, 22/07/2024 Lượt xem: 2937 In bài viết

Ngày 22-7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Bắt đầu từ 7h cùng ngày, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã được dẫn giải tới phiên tòa trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dựng rạp ngoài trời với màn hình lớn để người được triệu tập thuận tiện theo dõi phiên tòa.

Hội đồng xét xử sơ thẩm phiên tòa này gồm 5 thành viên, do Thẩm phán Vũ Quang Huy (Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội tham gia tố tụng có 6 kiểm sát viên. Hơn 30.000 bị hại sẽ được triệu tập đến tòa. Bị cáo Trịnh Văn Quyết có 3 luật sư bào chữa.

Từ 7h sáng, xe dẫn giải các bị cáo đã vào khuôn viên tòa. Ảnh: Chu Dũng

Trong 50 bị cáo, phần lớn là lãnh đạo và nhân viên của các công ty thuộc "hệ sinh thái" 82 công ty của FLC. Các bị cáo đồng thời là anh em, bạn bè Trịnh Văn Quyết. Ngoài ra, có nguyên 7 cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Trong vụ án này, 3 anh em bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975; ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty CP Hàng không Tre Việt; Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, cùng là Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC…, bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Chu Dũng

47 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Theo cáo trạng truy tố, với mục đích thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của Công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 cá nhân là người thân, nhân viên thuộc FLC để mở 500 tài khoản chứng khoán cá nhân, pháp nhân tại 41 công ty chứng khoán.

Màn hình theo dõi phiên tòa dành cho hàng nghìn người liên quan. Ảnh: Chu Dũng

Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế để Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng và để Huế thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với các mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Để thao túng các mã chứng khoán trên, các bị cáo đã liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở/đóng cửa, đặt lệnh mua/bán, sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả, thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu nói trên, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế. Ảnh: Chu Dũng

Với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo Doãn Văn Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) và Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi gian dối, tăng khống vốn chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán.

Bị cáo sử dụng Sàn Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Để chiếm đoạt tiền, Quyết giao Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo và điều hành toàn bộ hoạt động, hợp thức hồ sơ nâng vốn khống và trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Với động cơ, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HoSE làm phương tiện bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

Việc thao túng cổ phiếu AMD diễn ra trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên Trịnh Văn Quyết phải chịu trách nhiệm hình sự với 4 mã còn lại, tổng tiền 684 tỷ đồng. Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế phải nộp lại số tiền thu lợi từ mã AMD. Trong cả hai sai phạm, Trịnh Văn Quyết đều bị xác định là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ hành vi của các đồng phạm.

Trịnh Văn Quyết bị bắt tháng 3-2022 cùng 26 bị cáo đang bị tạm giam. 23 người còn lại được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Phiên tòa chưa ấn định thời gian diễn ra, dự kiến kéo dài trong nhiều ngày.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top