Chống tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không

09:40 - Thứ Tư, 24/07/2024 Lượt xem: 4054 In bài viết

Những vụ án ma túy xảy ra trên tuyến đường hàng không gần đây cho thấy, loại tội phạm này đang diễn biến rất khó lường, tính chất xuyên quốc gia với quy mô ngày càng lớn, số lượng tang vật vụ án sau luôn nhiều hơn vụ án trước...

Ma túy được giấu trong các tuýp kem đánh răng được các tiếp viên hàng không xách về Việt Nam. (Ảnh: Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình, các nguồn tin thu thập được và kinh nghiệm thực tế trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã nhận được nguồn tin có một lượng ma túy lớn từ Ðức về Việt Nam. Chuyên án HP524 do Cục Hải quan thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp PC 04 (Công an thành phố Hà Nội) được xác lập ngay sau đó. Chỉ bốn ngày sau, ngày 4/6, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Ban chuyên án đã bắt giữ bốn đối tượng, thu giữ khoảng 179 kg ma túy tổng hợp MDMA được ngụy trang cất giấu tinh vi trong các vật dụng. Ðây được đánh giá là chuyên án điển hình, nổi bật, có số lượng ma túy thu giữ lớn nhất trong nhiều vụ án từ trước đến nay qua đường hàng không.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Kế hoạch 134/KH-HQHCM của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh về việc phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021-2025, ngày 16/3/2023, tại ga đến quốc tế thuộc Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Ðội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thực hiện thủ tục hải quan cho các thành viên trong phi hành đoàn thuộc chuyến bay số hiệu VN10 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Pháp về Việt Nam. Qua kiểm tra hành lý của bốn nữ tiếp viên trong phi hành đoàn, lực lượng chức năng đã phát hiện 11 kg ma túy ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.

Theo thông tin mới nhất liên quan vụ án nêu trên, cơ quan điều tra đã khởi tố 318 vụ án, với 961 bị can để điều tra về các hành vi như sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm, tàng trữ tiền giả… Quá trình mở rộng điều tra, thu giữ tiếp 319 kg ma túy các loại, đồng thời xác định các đường dây, ổ nhóm có liên quan đã bán trót lọt ra thị trường lượng lớn ma túy, có giá trị ước tính hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Hai vụ án nêu trên chỉ là điển hình trong rất nhiều vụ án vận chuyển ma túy qua đường hàng không do lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp triệt phá thời gian qua. Ðiều đáng lo ngại là, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không ngày càng có quy mô lớn, xuyên quốc gia, với phương thức câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người trong nước và người nước ngoài. Chúng lập đường dây, ổ nhóm, rồi lợi dụng công nghệ cao để liên hệ, trao đổi, giao dịch và điều phối giao-nhận cho nên rất khó phát hiện. Cơ quan Hải quan cảnh báo, hiện nay, các chính sách tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN và sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma túy của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy tại một số nước… đang là kẽ hở để tội phạm lợi dụng, đặc biệt là qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh.

Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng là địa bàn trọng điểm về các hoạt động thẩm lậu ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Các đối tượng thường sử dụng phương thức ngụy trang, cất giấu ma túy tinh vi trong hành lý xách tay, hàng hóa ký gửi, hàng hóa nhập khẩu, hàng thuộc diện quà biếu phi mậu dịch... chủ yếu gửi từ: Ðức, Ba Lan, Hà Lan, Séc, Pháp, Tiệp Khắc, Bỉ, Canada, Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Ethiopia, Ghana, Senegal, Australia về Việt Nam, tiếp đó tiêu thụ trong nội địa hoặc trung chuyển đi nước thứ ba.

Ðể đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là, đẩy mạnh trao đổi, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kiểm soát ma túy, tiền chất ma túy trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương. Phó Cục trưởng Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Phan Quốc Ðông cho biết, Hải quan Việt Nam tiếp tục tham gia, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong các dự án hợp tác quốc tế phạm vi khu vực và toàn cầu về phòng, chống ma túy. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với Hải quan các nước để cập nhật, cung cấp, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về ma túy, tập trung các thông tin nghiệp vụ liên quan đến đối tượng, phương thức, thủ đoạn, tuyến đường mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý. Trong đó, cần tiếp tục triển khai tốt Chiến dịch Con rồng Mê Kông, được khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phòng, chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RILO AP). Ðây là chương trình hành động chung giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục Cites trên các tuyến đường vận chuyển do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến. Ðóng vai trò quan trọng, Hải quan Việt Nam đã tích cực khởi xướng, thảo luận xây dựng thống nhất các bản mô tả chiến dịch, kế hoạch hành động của chiến dịch; cập nhật vụ việc bắt giữ điển hình và điều phối thông tin trong các nước thành viên khi có yêu cầu phát sinh; cử các đầu mối và cán bộ tham gia tổng hợp xây dựng báo cáo phân tích xu hướng của các chiến dịch. Qua 5 lần triển khai chiến dịch, Hải quan Việt Nam đã tiến hành bắt giữ nhiều vụ việc liên quan ma túy trên cơ chế chia sẻ thông tin của chiến dịch.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top