Gia tăng lừa đảo bán thuốc đặc trị, du lịch miễn thị thực... trên mạng xã hội

09:12 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 3602 In bài viết

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), mặc dù cơ quan chức năng và các đơn vị truyền thông, báo chí trên cả nước liên tục đưa ra cảnh báo, song số nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến vẫn gia tăng.

Lũy kế đến tháng 6, Cục An toàn thông tin đã ngăn chặn hơn 3.000 website lừa đảo trực tuyến, góp phần bảo vệ người dân khỏi các website lừa đảo vi phạm pháp luật; đồng thời Cục thường xuyên cập nhật các thông tin về an toàn thông tin, nhất là lừa đảo trực tuyến trên Cổng không gian mạng quốc gia giúp người dân nâng cao khả năng nhận biết các hình thức lừa đảo.

Người dân cần cảnh giác trước hình thức lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Cổng không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin vừa nhận được phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội. Nạn nhân sập bẫy chiêu trò lừa đảo trên đã phản ánh về việc mua phải thuốc điều trị bệnh xương khớp bằng thuốc đông y từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quân đội. Do tin tưởng, nạn nhân đã đặt mua và sử dụng, tuy nhiên sau khi sử dụng, nạn nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo bán thuốc đặc trị là hoạt động theo hội nhóm, đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc “thần dược” với giá cao. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Bên cạnh những đối tượng tự xưng là “nhân viên tư vấn”, sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc. Những loại thuốc này có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: Thuốc phòng, chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc. Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng…

Một thủ đoạn khác nổi lên trong những ngày qua là lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực. Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng nhu cầu đi lao động nước ngoài, du lịch Hàn Quốc của người dân, các đối tượng đã tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc) rồi chiếm đoạt tiền của người dân có nhu cầu. Thủ đoạn được các đối tượng lừa đảo là lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia vào các hội nhóm để tìm những người dùng có nhu cầu mua vé máy bay và làm visa đi nước ngoài. Đối tượng chào mời nạn nhân đồng thời hứa hẹn cấp visa trong thời gian rất ngắn, hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình làm visa của một bộ phận người dân, đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp những thông tin không cần thiết, hay yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ không liên hệ với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào làm thủ tục mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” song vẫn có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”. Bằng chứng là ngay trong tuần qua, một người phụ nữ đến từ Thanh Hoá sau khi bị lừa đảo do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản tiền “phí dịch vụ” 10% và bị chiếm đoạt tiền thêm một lần nữa…

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng như: Đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, ngày càng giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Bên cạnh đó, phong trào chuyển đổi số hiện cũng đang diễn ra sôi động, đưa nhiều hoạt động thường nhật trở nên phổ biến như mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt... trong khi đó, ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng vẫn còn hạn chế, chủ quan. Ngoài ra, những khó khăn trong công tác xử lý, giải quyết các vụ việc lừa đảo cũng trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng. Trong đó, việc phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao; thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng 3G, 4G; vấn đề sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm mạng gặp nhiều khó khăn…

Về giải pháp, ông Nguyễn Phú Lương cho rằng, cần phải đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Đó là đan xen giữa việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật và pháp lý, đồng thời làm sao để thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người dân càng tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia do Cục An toàn thông tin vận hành đã hệ thống được hàng trăm nghìn địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến, đồng thời đã kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc, Zalo, Safegate để có thể tự động bảo vệ người dân trước các website lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, hệ thống đã ngăn chặn xử lý hơn 10.000 tên miền độc hại, trong số này có hơn 3.000 tên miền lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dùng Internet Việt Nam trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Cục An toàn Thông tin cũng đã phối hợp cùng Tập đoàn Meta phát động chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024 nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến hữu ích.

Về phía người dùng, ông Nguyễn Phú Lương khuyến cáo người dân cần tìm hiểu và thực hiện các cách thức nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân của bản thân trên không gian mạng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần xây dựng những thói quen, các kỹ năng số cần thiết, an toàn như tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc; không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top