Cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trên mạng

09:51 - Thứ Tư, 07/08/2024 Lượt xem: 11289 In bài viết

ĐBP - Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là hoạt động không mới, tuy nhiên vẫn có nhiều người chủ quan với tâm lý, suy nghĩ chuyện này xảy ra ở đâu đó ngoài xã hội chứ không phải mình… Chỉ đến khi bản thân rơi vào “bẫy” do các đối tượng phạm tội ở “phía sau màn hình” lúc đó mới hối hận.

Cháu Phạm Mai Anh, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ kể lại chuyện bị dẫn dắt và chuyển tiền cho số tài khoản “hack” trên mạng.

Em Đồng Phương Anh, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) bị hack tài khoản Facebook. Sau đó, đối tượng nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của Phương Anh, đưa ra nhiều lý do khác nhau để vay mượn tiền; trong tin nhắn chúng gửi số tài khoản nhận tiền là tài khoản ngân hàng có thông tin trùng với họ và tên của Phương Anh. Vì là họ hàng thân thiết với Anh, nên em Phạm Mai Anh, ở phường Noong Bua chuyển luôn 500 nghìn đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Cũng với thủ đoạn này, đối tượng đã lừa nhiều bạn bè, người thân của Đồng Phương Anh.

Đây là thủ đoạn không mới. Các đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách cho đăng ký tài khoản online của các ngân hàng rồi dùng phần mềm photoshop chỉnh sửa thông tin trong căn cước công dân thu thập được từ trước cho trùng khớp với người dùng mạng xã hội bị hack rồi in ra giấy ảnh, sử dụng giấy tờ giả này để đăng ký tài khoản ngân hàng online. Sau đó, chúng dùng tài khoản này để nhận tiền lừa đảo. Thủ đoạn này khiến nạn nhân lầm tưởng đó là tài khoản ngân hàng của người thân, bạn bè mình.

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp nhận 6 đối tượng do lực lượng chức năng nước CHDCND Lào trao trả, gồm: Nguyễn Quang Vũ, Nguyễn Văn Thưởng, Phàn Thị Liên, Lường Hà Tĩnh, Bùi Thanh Cường, Chu Văn Thắng. Trong đó Vũ là trưởng nhóm. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận trong thời gian làm việc tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, nhóm của Vũ đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mời gọi cộng tác viên làm việc trên các sàn thương mại điện tử ảo như: Ebay, Difiti nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại là người Việt Nam.

Một đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tbị cơ quan điều tra Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.

Cụ thể, Nguyễn Văn Thưởng đã sử dụng tài khoản có “nick” là Ngọc Mai nhắn tin, kết bạn với anh Nguyễn Hữu Quỳnh, rủ anh Quỳnh làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ tăng tương tác cho các cửa hàng trên sàn thương mại điện tử “Difiti”, sau khi nạp tiền, thực hiện xong nhiệm vụ sẽ nhận được tiền hoa hồng. Do tin tưởng, anh Quỳnh đã nhiều lần nạp tiền và bị chiếm đoạt 156 triệu đồng. Ngoài ra, Vũ và Liên khai nhận đã lừa được một số bị hại khác. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một thủ đoạn khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy, đó là các đối tượng lừa đảo giả mạo luật sư, chuyên gia cam kết hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa trước đó. Sau khi có được lòng tin từ nạn nhân, đối tượng yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền và hình thức bị lừa. Các đối tượng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.

Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân phải chuyển từ 2 - 5 triệu đồng vào hệ thống (thực chất là tài khoản của đối tượng) với lý do xác nhận ủy quyền xử lý hồ sơ rút tiền về cho nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau như: Phí kích hoạt giải ngân, phí nâng cấp hạn mức nhận tiền cho tài khoản, phí nâng cấp điểm tín nhiệm... để yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền để chiếm đoạt.

Người dân đến trình báo cơ quan Công an về các dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

Thực tiễn đấu tranh cho thấy công tác xác minh, điều tra đối với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng; các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng mua lại của người khác… Khi bị phát hiện, tố giác các đối tương nhanh chóng xóa dữ liệu, hủy thiết bị. Mặt khác, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có sự liên kết với các đối tượng người nước ngoài, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Trước thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không đăng nhập vào các đường link, trang web lạ khi chưa tìm hiểu kỹ để tránh bị đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn trên các nền tảng mạng xã hội.

Nếu nhận được tin nhắn hỏi vay tiền từ bạn bè, người thân qua mạng xã hội kèm với số tài khoản ngân hàng mang tên họ thì không vội chuyển tiền ngay mà hãy chủ động gọi điện hoặc gặp trực tiếp bạn bè, người thân để nói chuyện xác minh. Khi phát hiện tài khoản mạng xã hội của mình bị hack, chiếm quyền sử dụng, cần thông báo ngay cho bạn bè, người thân biết để tránh các đối tượng phạm tội lợi dụng lừa đảo.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top