Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người yếu thế

06:41 - Chủ Nhật, 11/08/2024 Lượt xem: 4304 In bài viết

ĐBP - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là chính sách nhân văn mà Đảng và Nhà nước dành cho những người không có khả năng sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí. Theo đó, người nghèo, người yếu thế trong xã hội được sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí khi có câu hỏi, tranh chấp pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý tỉnh Điện Biên tham gia phiên toà giả định, nâng cao công tác TGPL cho người yếu thế.

Trên thực tế, công tác TGPL – hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người yếu thế chưa bao giờ là dễ dàng, bởi ngoài kiến thức nghiệp vụ đòi hỏi người công tác trong lĩnh này thật sự tâm huyết, thấu hiểu và có kinh nghiệm thực tiễn. Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện TGPL” mà Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên mới đây tổ chức với sự tham dự của 5 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Lào Cai cho thấy sự quan tâm của các địa phương về tầm quan trọng của vấn đề này.

Những năm qua, hoạt động TGPL cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người yếu thế trong xã hội luôn được tỉnh Điện Biên chú trọng. Nhờ đó từng bước nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc trợ giúp, tăng cường hiểu biết pháp luật cho người dân và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người yếu thế.

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên đã thực hiện 4.432 vụ việc bằng hình tức tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc với sự vào cuộc sớm, tích cực của đội ngũ luật sư, TGV pháp lý đã giúp cho các đương sự là người yếu thế giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự; nâng cao tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội  phạm.

Chị Lường Thị Tuyết, ở xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) là một trong những đối tượng được TGPL miễn phí theo quy định của pháp luật. Chị có tranh chấp đất đai với một gia đình ở cùng bản. Để đảm bảo quyền lợi cho chị Tuyết trước tòa án và pháp luật, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã cử trợ giúp viên (TGV) pháp lý thụ lý vụ việc. Ngoài việc thường xuyên trao đổi với đương sự về nội dung, tình tiết vụ việc, TGV đã chủ động tiếp cận với các cơ quan liên quan để thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ. Đồng thời tư vấn, thống nhất với đương sự phương án giải quyết khi ra tranh tụng tại tòa để bảo vệ được quan điểm, đảm bảo quyền lợi của gia đình chị Tuyết.

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện truyền thông về TGPL tại bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng).

Liên quan đến tranh chấp đất đai, gia đình bà Vũ Thị Hoạt, tổ dân phố 1, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) luôn canh cánh nỗi lo vì mảnh đất và ngôi nhà của bà cùng 2 người con gái tật nguyền đang sinh sống vướng vào vụ tranh chấp về thừa kế tài sản và quyền sử dụng đất. Vụ việc phức tạp và kéo dài nhiều năm khiến gia đình không thể yên tâm. Nhờ có sự trợ giúp của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh mà giờ đây đất ở và ngôi nhà đã trở thành nơi ở hợp pháp của bà Hoạt và các con, qua đó gia đình yên tâm ổn định cuộc sống.

Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các hoạt động TGPL, đồng thời xác định đối tượng thuộc diện TGPL là nhóm yếu thế trong xã hội, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành quan tâm thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Tất cả yêu cầu TGPL của người dân được đáp ứng kịp thời. Việc cử người thực hiện TGPL được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định và đáp ứng yêu cầu TGPL.

Trong công tác phối hợp về hoạt động tố tụng, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Dân tộc triển khai hoạt động TGPL cho người có công, người khuyết tật, trẻ em vị thành niên và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Chính vì vậy, Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy để những đối tượng yếu thế trên địa bàn tìm đến khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật, cần được TGPL thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn người có quyền lợi thực hiện các thủ tục liên quan đến TGPL trong phiên xét xử lưu động tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé.

Thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh, hoạt động TGPL được triển khai đa dạng, phong phú, bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền bằng các ấn phẩm, tờ rơi; tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí, cử trợ giúp viên, luật sư TGPL; tham gia tố tụng để bào chữa cho các đối tượng. Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL; đưa ra các phương thức truyền thông, tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chính sách TGPL cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL năm 2024, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tổ chức thực hiện 15 đợt truyền thông về TGPL tại 97 thôn bản thuộc 34 xã của các huyện: Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng, thu hút 4.984 lượt người tham dự. Tiếp nhận và tư vấn 68 việc cho 68 lượt người có yêu cầu TGPL thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, lĩnh vực khác; trong đó có 3 yêu cầu liên quan đến chế độ, chính sách, quy định pháp luật có liên quan đến người khuyết tật.

Trung tâm cũng cấp phát miễn phí 38,204 tờ gấp pháp luật cho người dân về: TGPL cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và các đối tượng khác; quyền được TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong lĩnh vực pháp luật hình sự; TGPL cho người có công với cách mạng và các đối tượng khác trong lĩnh vực pháp luật dân sự; TGPL cho trẻ em về pháp luật hình sự; quy định về TGPL cho cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; TGPL cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top