Thi hành án tín dụng, ngân hàng:

Vá “lỗ hổng” pháp lý, giải quyết những tồn đọng

09:23 - Thứ Năm, 12/09/2024 Lượt xem: 3032 In bài viết

Lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng tăng, địa bàn rộng, nhiều việc khó thi hành đã tạo áp lực không nhỏ cho đội ngũ chấp hành viên, đặc biệt là khi triển khai công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng.

Thực trạng này đòi hỏi cần sớm vá “lỗ hổng” pháp lý, chung tay giải quyết tồn đọng, đưa nguồn tiền vào thị trường để vận hành, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang "chạy đua" để hoàn thành chi trả tiền cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh. Trong ảnh: Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đến tòa. Ảnh Nguyễn Hải

Nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn cho biết, Quốc hội, Chính phủ giao chỉ tiêu thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2015-2023, trung bình một chấp hành viên phải thi hành khoảng 227 việc, tương ứng số tiền gần 60 tỷ đồng/năm. Trong khi theo đánh giá hiệu quả công việc của chấp hành viên 3 năm trở lại đây, trung bình một chấp hành viên có năng lực, kỹ năng làm việc thi hành xong 140 việc, tương ứng với khoảng 15 tỷ đồng/năm. Tính chất công việc ngày càng phức tạp, đặc biệt các vụ việc liên quan tới thi hành các khoản thu cho tổ chức tín dụng, tuy không nhiều nhưng giá trị phải thi hành luôn chiếm tỷ trọng lớn so với các loại án (thông thường chiếm trên 50% so với tổng số tiền phải thi hành chung của tất cả các loại).

Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành cho 41 tổ chức tín dụng trong nước; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 4 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam; 17 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính và ngân hàng khác. Tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng hơn 193.858 tỷ 592 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2023, số phải thi hành án tăng 7.039 việc và tăng hơn 39.406 tỷ đồng), chiếm 5,11% về việc và 40,66% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành toàn hệ thống năm 2024. Thời điểm hiện tại đã thi hành xong 4.513 việc, tương ứng hơn 24.211 tỷ 174 triệu đồng (đạt 15,87% về việc, 18,78% về tiền).

Mặc dù kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng có chuyển biến, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng nhưng thực tế vẫn còn tồn tại không ít vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Theo thống kê, có tới 399 vụ việc thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương...

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng Nguyễn Thành Long, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, thủ tục cưỡng chế, thi hành án theo quy định pháp luật hiện hành chưa nêu thời hạn cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án; không quy định thời gian cụ thể phải thực hiện, tổ chức kế hoạch cưỡng chế, dẫn đến quá trình thi hành án bị kéo dài.

Thực tế cho thấy, vẫn có tình trạng chậm kê biên, xử lý tài sản bảo đảm; chậm bàn giao tài sản; chậm chuyển trả tiền xử lý tài sản cho tổ chức tín dụng... Trong khi chưa có sự thống nhất về việc xử lý tài sản bảo đảm kê biên có hiện trạng khác so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng...

Khẩn trương giải quyết tồn đọng

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thu hồi nợ xấu đạt hiệu quả cao nhất, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị: Tổng cục Thi hành án dân sự có ý kiến với cơ quan quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các ban, ngành có liên quan, hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được xử lý để thanh toán cho người được thi hành án. Song song với đó, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục duy trì việc đối thoại theo định kỳ để cùng gỡ vướng.

Ở góc nhìn khác, Phó Vụ trưởng Vụ 11 (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) Tạ Thị Hồng Hoa nhận định, bên cạnh những lý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng, thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện vụ việc, bản án tuyên không rõ nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản hỏi tòa án hoặc diễn đạt không rõ ý dẫn đến tòa án trả lời chung chung, rốt cuộc vẫn không thể thi hành. Đây là việc cần rút kinh nghiệm.

Khẳng định việc hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các phát sinh phức tạp ở lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, cơ quan này đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự.

Song song với việc vá những “lỗ hổng” về thể chế, Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị, các cơ quan thi hành án địa phương rà soát báo cáo kết quả với những vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng đang bế tắc trong vòng 3 tháng tới đây, để cùng khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top