Lợi dụng bão, lũ, lừa đảo kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi

09:22 - Thứ Sáu, 13/09/2024 Lượt xem: 3265 In bài viết

Chiều 12-9, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cảnh báo về lừa đảo kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi và đưa thông tin sai lệch về bão số 3 trên không gian mạng.

Ảnh: Cục An toàn thông tin

Lợi dụng bão, lũ gây thiệt hại tại nhiều tỉnh phía Bắc, một số fanpage giả mạo cơ quan nhà nước hoặc tổ chức uy tín, đưa thông tin sai lệch về tình hình bão, lũ, từ đó kêu gọi quyên góp, hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống, kèm theo tài khoản cá nhân để nhận tiền quyên góp.

Ngày 7-9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo fanpage lừa đảo, mạo danh Hội, kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 11-9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ cũng cảnh báo về việc đối tượng lừa đảo lập fanpage mạo danh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lâm Thao, kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.

Một số người dùng mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện. Thậm chí có người bị lừa chuyển hơn một trăm triệu đồng để mua 2.000 áo phao hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền, người nhận tiền đã biến mất "không dấu vết”.

Thủ đoạn của đối tượng xấu là lợi dụng sự quan tâm của người dân tới đồng bào ở vùng bão, lũ, phát tán thông tin giả, tin sai sự thật, như vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ đập thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang...

Điển hình là tin giả về việc người dân vùng bão, lũ có thể gửi tin nhắn đến số 191 để được dùng internet miễn phí.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ bản thân.

Chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ Chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác, nhằm hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.

Người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ chống bão, lũ, cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng; theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức chính thống, các địa chỉ tin cậy tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín.

Trong trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan. Đồng thời, người dân, cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top