Nâng cao tinh thần cảnh giác

09:24 - Thứ Ba, 17/09/2024 Lượt xem: 3107 In bài viết

Những ngày qua, cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo tin giả liên quan đến bão, lũ hay các hình thức lừa đảo lợi dụng tình hình bão, lũ trên không gian mạng.

Trong khi các cấp, ngành và nhân dân đang chống chọi với thiên tai, nỗ lực khắc phục khó khăn thì trên mạng xuất hiện không ít tin giả, như chỗ này, chỗ kia vỡ đê hay thành phố Hà Nội bị cắt điện… Lợi dụng mưa bão làm hư hỏng hệ thống hạ tầng điện, viễn thông, đối tượng xấu đưa lên mạng xã hội tin giả, “người dân vùng lũ mất điện, không có sóng wifi nhắn tin theo cú pháp gửi tổng đài để được dùng mạng miễn phí”. Khi cả nước chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ khắc phục hậu quả thì trên mạng xã hội, đối tượng xấu lập fanpage giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo kêu gọi từ thiện…

Cơ quan chức năng lập tức bác bỏ thông tin giả, không chính xác, cảnh báo người dân không làm theo, đề phòng bị kẻ xấu lợi dụng, mất tiền và tài sản. Tuy nhiên, tin giả, tin lừa đảo cũng đã được lan truyền rất nhanh trên mạng, gây hoang mang dư luận, làm rối tình hình.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng số, tin giả xuất hiện khá nhiều. Thiên tai, dịch bệnh luôn là mục tiêu mà tin giả nhằm tới, nhiều khi đơn giản chỉ là để câu like, câu view, tăng tương tác mà không ý thức được rằng sẽ gây hậu quả xấu đối với xã hội. Cùng với tin giả, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng cũng ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn, trong đó giả mạo cơ quan nhà nước là hình thức phổ biến và nhiều người đã mắc bẫy, mất số tiền lớn.

Ngăn chặn tin thất thiệt, tin giả, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, đương nhiên có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Mỗi lần xuất hiện tin giả, hay hình thức lừa đảo mới, cơ quan chức năng đều đưa ra cảnh báo, hướng dẫn người dân cách thức kiểm tra, phòng ngừa. Từ tin báo của nạn nhân, nhiều vụ việc được cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn không để xảy ra hậu quả lớn. Không ít đối tượng tung tin giả, tin thất thiệt đã bị xử lý nghiêm khắc. Đặc biệt, cơ quan quản lý đã triển khai việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, thu hồi sim “rác”, chuẩn hóa thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu xác thực sinh trắc đối với giao dịch có giá trị lớn… Những giải pháp trên đều nhằm ngăn chặn việc sử dụng tài khoản không chính chủ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, góp phần ngăn chặn tin giả, lừa đảo trên không gian mạng cần sự chung tay của mỗi người dân. Trước hết đó là luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động sàng lọc, kiểm chứng thông tin, không vội vàng chia sẻ thông tin mà bản thân chưa biết mức độ chính xác. Kiểm chứng, sàng lọc thông tin, nhất là thông tin nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội, phải trở thành phản xạ trước khi bình luận, chia sẻ.

Nâng cao tinh thần cảnh giác cũng là cách hữu hiệu để không trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng. Để nâng cao cảnh giác, mỗi người phải thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng, như việc cơ quan nhà nước không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, địa chỉ…) cho người lạ, không chuyển tiền đến tài khoản lạ…

Cùng với đó khi nghi ngờ bị đối tượng xấu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn sớm, vừa bảo vệ cho chính mình, vừa bảo vệ cho cộng đồng xã hội. Nói cách khác, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị kỹ năng phòng, tránh là cách hữu hiệu để mỗi người tự bảo vệ trước tin giả hay lừa đảo trên không gian mạng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top