Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến thủ tục xuất, nhập cảnh

09:31 - Thứ Sáu, 20/09/2024 Lượt xem: 3134 In bài viết

Đối tượng lừa đảo lập các công ty ảo, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng lao động đi nước ngoài với thủ tục đơn giản, thời gian xuất cảnh nhanh... Tuy nhiên, sau khi hứa hẹn làm hộ chiếu, cấp visa (giả), bọn chúng yêu cầu bị hại nộp tiền vào tài khoản chứng minh tài chính và hứa sẽ trả lại nhưng thực chất là cách bọn chúng chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, chỉ trong tháng 7 và tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra hai trường hợp là công dân cư trú tại huyện Thọ Xuân và huyện Hoằng Hóa bị các đối tượng thông qua mạng xã hội zalo, facebook lừa đảo làm hộ chiếu, visa đi Nhật Bản và Hàn Quốc rồi chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 300 triệu đồng...

Ảnh minh họa.

Từ thông tin người bị hại cung cấp cho thấy, phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng khá tinh vi, chúng đánh vào tâm lý muốn làm nhanh các thủ tục xuất khẩu lao động mà không mất thời gian chờ đợi, không mất thời gian kê khai các thủ tục hành chính cần thiết.

Cụ thể, lập ra các công ty ảo trên mạng để quảng cáo về việc tuyển dụng lao động đi nước ngoài với "việc nhẹ, lương cao", thủ tục đơn giản, thời gian xuất cảnh nhanh... Đồng thời, chúng sử dụng nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo để tìm kiếm và liên lạc với những người có nhu cầu làm thủ tục để xuất cảnh ra nước ngoài.

Sau khi tiếp cận được những người có nhu cầu xuất cảnh, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người gửi ảnh chân dung và ảnh căn cước công dân để làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông. Một thời gian sau, bọn chúng sẽ gửi ảnh chụp hộ chiếu cho bị hại (hộ chiếu giả mạo) và thông báo thủ tục cấp hộ chiếu đã hoàn tất.

Bước tiếp theo, các đối tượng liên lạc lại với bị hại, thông báo chi phí để xuất cảnh và yêu cầu bị hại nộp trước một khoản tiền cọc vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để làm các thủ tục xin cấp visa, giấy tờ tư pháp, liên hệ với Cục Quản lý xuất, nhập cảnh làm thủ tục xin xuất nhập cảnh đi lao động.

Sau khi người dân chuyển tiền, các đối tượng xác nhận đã nhận được tiền và hứa hẹn sẽ giúp đỡ để người dân chỉ phải trả phần còn lại sau khi ra nước ngoài. Để tạo niềm tin, đối tượng gửi cho người dân hình ảnh chụp visa và các giấy tờ giả mạo khác như giấy khám sức khỏe, giấy tờ tư pháp; thông báo đã được cấp visa, hướng dẫn công dân các bước làm thủ tục, thời gian nhận giấy tờ, hộ chiếu và visa khi có mặt tại sân bay để xuất cảnh.

Cuối cùng, các đối tượng gửi “Công văn xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính" giả mạo, yêu cầu người dân chuyển từ 20 - 50 triệu đồng (thậm chí cả trăm triệu đồng) vào tài khoản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để chứng minh tài chính. Trên văn bản có ghi rõ mục đích xác minh và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền khoảng 30 - 40 phút.

Nếu nhận thấy công dân còn chần chừ, đối tượng sẽ mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh liên tục gọi điện thúc giục công dân nộp tiền vào tài khoản đã được đối tượng cung cấp ghi trên các giấy tờ giả mạo, để hoàn thiện hồ sơ. Sau khi nhận được tiền chuyển khoản, đối tượng lừa đảo lập tức cắt mọi liên hệ với công dân.

Thượng tá Hoàng Chí Đăng - Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, việc làm hồ sơ cấp hộ chiếu đều thực hiện qua mạng internet (Cổng dịch vụ công quốc gia), trừ trường hợp cần đối soát hồ sơ mới phải đến trực tiếp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện. Việc cấp cấp hộ chiếu qua online sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để các đối tượng lừa đảo hoạt động bằng việc cấp hộ chiếu giả để chiếm đoạt tài sản. Do vậy, những công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu, visa để xuất cảnh cần hết sức cảnh giác, không nghe, không tin theo lời các đối tượng “cò mồi”, tránh việc mất tài sản.

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Thanh Hóa khuyến cáo: Người dân cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân nên tự nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu hoặc liên hệ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh để được hướng dẫn, hỗ trợ; cảnh giác với các hình thức “cò dịch vụ” làm hộ chiếu. Không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, cũng như hình ảnh căn cước công dân cho các dịch vụ trên mạng xã hội để bảo mật thông tin, tránh bị các đối tượng xấu sử dụng vào hoạt động vi phạm pháp luật; không gửi tiền vào tài khoản lạ, không rõ nguồn gốc.

Người dân có nhu cầu xin cấp visa thì liên hệ trực tiếp cơ quan đại diện của nước cần đến (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Văn phòng đại diện) có trụ sở tại Việt Nam, hoặc thông qua các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép lữ hành quốc tế, để nộp hồ sơ xin cấp visa, hoặc được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức.

Đặc biệt, khi người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động phải tìm hiểu kỹ về công ty xuất khẩu lao động trước khi ký hợp đồng và chuyển tiền làm thủ tục. Công dân có thể đến trực tiếp công ty để xác minh, tìm hiểu qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, hoặc tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép Xuất khẩu lao động tại Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn trên các website, facebook, zalo... Cảnh giác, nâng cao hiểu biết để có lựa chọn đúng, tránh rơi vào bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động việc nhẹ, lương cao, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, giá rẻ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top