Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Nhà Xuất bản Giáo dục nhận hối lộ

09:06 - Thứ Tư, 25/09/2024 Lượt xem: 3670 In bài viết

Bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản) bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ". Các bị can Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh bị đề nghị truy tố cùng về tội "Đưa hối lộ".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bốn bị can trong vụ án xảy ra tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ trái sang: Nguyễn Đức Thái, Đinh Quốc Khánh, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Tô Mỹ Ngọc. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản) bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ". Các bị can Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát) bị đề nghị truy tố cùng về tội "Đưa hối lộ".

Năm bị can khác là các cựu lãnh đạo, nhân viên nhà xuất bản bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing), Đinh Quốc Khánh (cựu Phó Trưởng phòng In), Phạm Gia Thạch (cựu thành viên Hội đồng thành viên), Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải (cùng là cựu Phó Giám đốc).

Theo kết luận điều tra, mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà Xuất bản Giáo dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, Nhà Xuất bản Giáo dục đều áp dụng hình thức "chào giá". Nhà Xuất bản Giáo dục không thuộc trường hợp bắt buộc thực hiện theo các hình thức của Luật Đấu thầu nên có thể tự ban hành quy định riêng về hoạt động mua sắm, áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp.

Kết luận điều tra thể hiện, năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục. Theo đề nghị của Ngọc và Minh, Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định.

Hai bị can Ngọc và Minh lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho Nhà Xuất bản Giáo dục.

Giám định cho thấy, với 7 gói thầu giấy in, các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, để được tham gia và trúng thầu, hai bị can Ngọc và Minh đã nhiều lần đưa hối lộ cho Thái.

Từ năm 2018 đến năm 2021, các công ty của Ngọc tham gia và trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỷ đồng. Sau khi được Thái giúp đỡ, trúng thầu và ký hợp đồng, Ngọc đều đặn đưa 4 tỷ đồng một năm để cảm ơn Thái.

Trong 4 năm liền, cách thức đưa tiền đều giống nhau, thường vào các dịp cuối năm hoặc đầu năm dương lịch, Ngọc tự chuẩn bị số tiền 4 tỷ đồng đựng trong túi quà Tết. Sau đó, Ngọc xách theo, mang đến phòng làm việc của Thái rồi để lại. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán từ năm 2018 đến năm 2022, Ngọc đều đặn cảm ơn Thái số tiền 200 triệu đồng một năm, tổng số tiền là 1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Thái nhận hối lộ từ Ngọc 20 tỷ đồng và giúp nhóm công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Trí Minh, cơ quan điều tra xác định, năm 2017, Minh cũng đến gặp Thái và tự giới thiệu là đối tác cung cấp giấy nhiều năm cho Nhà Xuất bản Giáo dục. Minh đề nghị và được Thái đồng ý tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát được tiếp tục cung cấp giấy cho Nhà Xuất bản Giáo dục. Sau đó, Công ty Minh Cường Phát được đưa vào danh sách ngắn, được tham dự và trúng một gói thầu.

Đổi lại, Minh “tặng” Thái 400 triệu đồng kèm hộp bánh, chai rượu. Để được trúng các gói thầu tiếp theo, Minh còn nhiều lần hối lộ Thái với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Công ty Minh Cường Phát do vậy được trúng 5 gói thầu của Nhà Xuất bản Giáo dục, tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra nhận thấy, việc mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà Xuất bản Giáo dục, được thực hiện hằng năm, giá giấy in chiếm từ 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.

Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top