Bị cáo Trương Mỹ Lan nhận trách nhiệm toàn bộ việc vận chuyển tiền trái phép

15:28 - Thứ Năm, 26/09/2024 Lượt xem: 3867 In bài viết

Ngày 26/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Nhóm bị cáo này gồm: Trương Mỹ Lan, Trương Khánh Hoàng, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công, Tô Thị Anh Đào, Nguyễn Vũ Anh Thi và Nguyễn Hữu Hiệu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến năm 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chỉ đạo Trịnh Quang Công (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Acumen) phối hợp cùng với Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsuala – SPG) Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, đang bị truy nã, quản lý các công ty tại nước ngoài thuộc Tập đòan Vạn Thịnh Phát) lập các hợp đồng “khống” giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng “khống” này, bị cáo Trương Mỹ Lan khai tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.

Tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD tương đương 106.730 tỷ đồng. Trong đó chuyển đi 1,5 tỷ USD và nhận tiền từ nước ngoài về 3 tỷ USD.

Đồng phạm giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan là bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB). Cáo trạng xác định, Trương Khánh Hoàng đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền 929 triệu USD và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về với tổng số tiền 1,9 tỷ USD.

Bị cáo trong "đại án" Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2 tại tòa.

Tại tòa, bị cáo Hoàng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Theo bị cáo Trương Khánh Hoàng, tuy giữ Quyền Tổng giám đốc SCB, nhưng bị cáo không có chuyên môn sâu về tài chính, ngân hàng nên có nhiều hạn chế trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Vì vậy, tới khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết hồ sơ chuyển tiền, nhận tiền bị thiếu nhiều chứng từ. Đồng thời, bị cáo Hoàng khai mình thực hiện hành vi phạm tội trên vì lợi ích của SCB, giúp ngân hàng này tăng khả năng thanh khoản, có thêm các nguồn thu khác.

Khi được hỏi nguồn tiền ở đâu để chuyển đi nước ngoài, bị cáo Trương Khánh Hoàng nói một phần có được từ hành vi tham ô tài sản (đã được xét xử trong giai đoạn 1). Bị cáo Trương  Khánh Hoàng khai những công ty do Trịnh Quang Công quản lý có tài sản đảm bảo tại SCB và các ngân hàng khác, cạnh đó những công ty này là các đơn vị phát triển dự án nên phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền. Bị cáo chỉ nghĩ các công ty của Trịnh Quang Công là khách hàng của ngân hàng mình và với vị trí là quyền Tổng giám SCB nên bị cáo ký duyệt các lệnh chuyển tiền.

Các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài do Trương Khánh Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền, thiếu Văn bản xác nhận của Công ty tại Việt Nam về việc Công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; Chứng nhận Hợp pháp hóa lãnh sự; Chứng từ thể hiện Công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế… Tuy nhiên, Trương Khánh Hoàng vẫn duyệt cho chuyển tiền ra nước ngoài.

Bị cáo Trịnh Quang Công (bên phải ảnh) "cánh tay" đắc lực giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong cả 3 hành vi phạm tội.

Một “cánh tay” đắc lực khác, giúp sức cho bị cáo Lan thực hiện cả 3 hành vi phạm tội, lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là bị cáo Trịnh Quang Công.

Bị cáo Trịnh Quang Công được Trương Khánh Hoàng giao theo dõi, quản lý việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về của 7 Công ty là chủ đầu tư các dự án tại TP Hồ Chí Minh và Long An, chuyển tiền ra nước ngoài 1,4 tỷ USD tương đương 33.500 tỷ đồng và nhận tiền từ nước ngoài về 1,449 tỷ USD tương đương 34.600 tỷ đồng theo các hợp đồng "khống".

Tại tòa, Trịnh Quang Công khai nhận, thực hiện chuyển và nhận tiền theo chỉ đạo từ Trương Khánh Hoàng. “Anh Hoàng nói chuyển tiền để thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng vốn. Ông Chiu Bing Keung Kenneth sẽ lo việc thỏa thuận với đối tác nước ngoài để ký hợp đồng. Bị cáo tin tưởng anh Hoàng là lãnh đạo của SCB nên nghĩ là đúng pháp luật ”- bị cáo Công khai.

Các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Các bị cáo nói trình tự, thủ tục chuyển, nhận tiền có nhiều thiếu sót về chứng từ, tuy nhiên các bị cáo trên phân bua rằng tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội không biết việc chuyển, nhận tiền là khống. Các bị cáo nói chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi, nhận thức pháp luật có phần hạn chế mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Khi được hởi về việc chuyển và nhận tiền, bị cáo Trương Mỹ Lan nói bản thân mình là hiểu rõ về việc tại sao có việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ các công ty nước ngoài. Bị cáo Trương Mỹ Lan nói mình vay từ những người bạn ở nước ngoài còn tiền trả nợ của riêng của bị cáo, không liên quan tới tài sản của SCB, chỉ thực hiện giao dịch qua ngân hàng này. Về việc lập các hợp đồng khống để chuyển, nhận tiền, bị cáo Lan nói mình không hiểu về quy trình, không trực tiếp tạo lập hợp đồng giả cách. 

Tiếp đó, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định hành vi vận chuyển tiền chỉ liên quan tới mình, xin chịu hết trách nhiệm và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong nhóm tội danh này.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top