ĐBP - Thời gian qua các lực lượng chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phản ánh, tố giác tội phạm, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Để giúp nhân dân nhanh chóng truyền tải thông tin ở cơ sở tới lực lượng công an, tháng 7/2024, Công an - Đoàn Thanh niên - Hội LHTN Việt Nam phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) phối hợp ra mắt mô hình “Bộ công cụ tiếp nhận ý kiến Nhân dân” triển khai tại trụ sở Công an, UBND phường và 7 nhà văn hóa trên địa bàn. Bộ công cụ tích hợp 3 hòm thư góp ý theo các mục: Hòm thư đóng góp ý kiến; hòm thư phản ánh tình hình an ninh trật tự - trật tự đô thị - vệ sinh môi trường; hòm thư tố giác tội phạm. Các thông tin sẽ được kiểm tra thường xuyên, liên tục.
Chị Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Đoàn phường Thanh Bình chia sẻ: “Đây là mô hình thể hiện tính tiên phong trong chuyển đổi số của tuổi trẻ phường Thanh Bình, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP).”
Cùng với đó, để kịp thời ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, trên trang fanpage Công an phường Thanh Bình với 1.576 lượt theo dõi thường xuyên cập nhật, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao để cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa.
Thượng úy Giàng Bình Minh, Phó trưởng Công an phường Thanh Bình cho biết: “Các bài đăng trên trang của công an phường thu hút được nhiều tương tác và chia sẻ của người dân. Qua đó, phát huy được vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm.”
Trên địa bàn phường Him Lam, mô hình “Camera an ninh” gồm hệ thống camera ở các khu dân cư đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong bảo đảm ANTT.
Thiếu tá Hồ Văn Hải, Phó trưởng Công an phường Him Lam cho biết: Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn phường người dân đã lắp đặt 350 mắt camera giám sát an ninh. Trên các tuyến đường, khu vực có lắp camera an ninh, tình hình ANTT chuyển biến tích cực. Dữ liệu camera ghi lại giúp cơ quan chức năng nhận định, đánh giá đúng, phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt, xử lý đối tượng phạm tội. Điển hình vào ngày 21/6, qua quá trình theo dõi camera an ninh của người dân tại cơ sở, phát hiện có đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội, công an phường thu thập tài liệu, cùng các công tác nghiệp vụ đã xác minh và bắt đối tượng H.M.D. (SN 1994, trú tại tổ 11, phường Him Lam) về hành vi cất giấu trái phép 16 viên ma túy tổng hợp.
Mô hình camera an ninh gắn với công tác vận động Nhân dân tham gia đấu tranh PCTP vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Him Lam đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo ANTT, góp phần phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm. Đây được xem là “tai mắt” của lực lượng công an và Nhân dân trên địa bàn.
Xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) là khu vực biên giới, một số nơi chưa được phủ sóng mạng 4G; một số người dân chưa có smartphone nên gặp khó khăn trong công tác cung cấp thông tin; chưa kể những người lớn tuổi việc sử dụng công nghệ còn hạn chế... Nhưng để đổi mới hình thức, phương pháp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân trong công tác PCTP, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã triển khai hòm thư góp ý điện tử ẩn danh.
Với hình thức tạo một mã QR, sau khi sử dụng camera trên smartphone, ứng dụng zalo… quét mã, điện thoại sẽ tự động truy cập vào đường link khai báo thông tin. Sau khi cán bộ, chiến sĩ và người dân nhập xong ý kiến, thông tin tố giác, bấm nút gửi đi thì thông tin tố giác, ý kiến góp ý được truyền lập tức về địa chỉ email của đơn vị. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ đơn vị xử lý, xác minh. Danh tính của người cung cấp thông tin hoàn toàn được bảo mật.
Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Na Cô Sa cho biết: Đây là địa chỉ tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và thông tin của quần chúng Nhân dân trên địa bàn tố giác tội phạm; phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên fanpage của đơn vị; phối hợp với UBND xã triển khai mô hình “tiếng loa biên phòng” tuyên truyền song ngữ tiếng Mông và tiếng phổ thông trên hệ thống loa truyền thanh của xã, loa kéo tại những nơi tập trung đông dân cư.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả của mô hình này, Đồn Biên phòng Na Cô Sa tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhất là Đoàn thanh niên địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn thanh niên cách sử dụng từ đó lan tỏa, hướng dẫn người lớn tuổi. Bố trí mã QR tại nơi công cộng, vị trí đông người có mạng di động. Đồng thời, đăng tải poster tuyên truyền và mã QR lên mạng xã hội để đông đảo quần chúng Nhân dân nắm được và tham gia.