Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản giả danh cán bộ cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát… để lừa đảo nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ảo hòng chiếm đoạt.
Vì nhẹ dạ, cả tin, không ít người đã mắc bẫy, mất tiền oan. Do đó, ngăn ngừa loại tội phạm này trên mạng xã hội là vấn đề cấp bách.
Công an phường Đức Giang (quận Long Biên) và nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam giải thích về những thủ đoạn lừa đảo nhằm giúp người dân tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Đa dạng hành vi lừa đảo
Trong khi các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3, ngày 12-9, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: Danh sách sao kê số tiền ủng hộ của tổ chức, cá nhân đối với đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố, trong đó có thông tin một tài khoản ủng hộ 10.000 đồng với nội dung kèm theo "tap the ae rap xiec trung uong ung ho". Thông tin này đã gây hiểu lầm, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, ảnh hưởng uy tín của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xác minh, làm rõ sự việc để xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, Công an quận Hà Đông cũng tiếp nhận, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Theo đó, vào ngày 26-8, chị L (sinh năm 1988; ở quận Hà Đông) có nhận được cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì thông báo thẻ căn cước của con gái chị bị lỗi, chưa đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư. Đối tượng hướng dẫn chị L cài đặt phần mềm Bộ Công an giả mạo để chỉnh sửa. Sau khi cài đặt xong, chị L phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 500 triệu đồng. Biết mình bị lừa, chị L đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Mới đây, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đô đã kịp thời ngăn chặn 2 vụ lừa đảo giả danh công an nhằm vào người cao tuổi. Thậm chí có trường hợp cả 2 vợ chồng đều bị các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm “Deepfake” giả hình ảnh và giọng nói giống y hệt công an thật gọi đến, khiến nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền. Nhờ được trang bị các kỹ năng nên nhân viên ngân hàng đã thông báo ngay cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời.
Cần nâng cao cảnh giác
Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân thông tin, vào cuối tháng 7 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 3,4 tỷ đồng với thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng. Nạn nhân là bà N.T.L (sinh năm 1960; ở quận Thanh Xuân) có nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cảnh sát hình sự thông báo một số điện thoại đăng ký tên bà đang nợ cước. Người này nói sẽ lập hồ sơ và báo cáo Viện Kiểm sát để hỗ trợ điều tra. Do lo sợ nên bà đã rút tiền và gửi vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà N.T.L nói cho gia đình thì mới biết mình bị lừa đảo và đã ra cơ quan công an trình báo sự việc. Tổng số tiền mà bà N.T.L đã chuyển cho đối tượng lừa đảo là hơn 3,4 tỷ đồng.
Để ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao mạo danh các cơ quan chức năng, từ lâu các chuyên gia và Công an thành phố đã không ngừng tuyên truyền vạch trần các thủ đoạn phạm tội. Bên cạnh đó chủ động tuyên truyền cho các ngân hàng, sàn giao dịch, cửa hàng vàng bạc… kỹ năng nhận diện nạn nhân để phối hợp cùng cơ quan công an giải quyết. Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, đơn vị cũng đã có thư ngỏ gửi đến người dân trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị tội phạm trên không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân... Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, trong khi các địa phương phía Bắc và các cấp, ngành tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của mưa bão, một loạt tin giả (fake news) đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng để trục lợi trái phép thông qua việc giả danh các cá nhân, cơ quan, tổ chức… để kêu gọi từ thiện. Trước thực trạng đó, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, cần có nhận thức đúng đắn, hành vi ứng xử theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Không làm theo hướng dẫn của tội phạm, không thực hiện các hành vi lan truyền thông tin không chính thống, sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.