ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử án hình sự; thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024”, ngày15/10, tổ giám sát số 2 tiến hành giám sát tại huyện Điện Biên.
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, thời gian qua huyện đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan: Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Công an huyện tăng cường phối hợp trong hoạt động thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2021 - 2024, Công an huyện đã phối hợp với UBND các xã và các đơn vị liên quan tổ chức mở 21 lớp tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật về Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và công tác tái hòa nhập cộng đồng tại 21 xã trên địa bàn huyện, với hơn 4.000 lượt người tham gia; tổ chức 1 lớp hoạt động trợ giúp tâm lý và hỗ trợ thủ tục pháp lý cho 140 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện; 2 lớp tập huấn do Công an tỉnh tổ chức với 176 đại biểu tham gia về công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Tòa án Nhân dân huyện thụ lý, giải quyết 801 vụ án, 867 bị cáo; trong đó đã giải quyết 800 vụ, 862 bị cáo. Viện kiểm sát thụ lý: 801 vụ, 867 bị cáo; đã giải quyết 800 vụ, 862 bị cáo. Chi cục Thi hành án dân sự huyện thụ lý, ra quyết định thi hành án theo yêu cầu 2.081 vụ việc (giá trị gần 67 tỷ đồng); trong đó đã giải quyết 1.859 việc (trên 25 tỷ đồng), kết quả thi hành đạt 97,33% việc…
Đại diện chính quyền địa phương đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử án hình sự; thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn thời gian qua. Cụ thể, như: Trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm phục vụ công tác chưa được đầu tư; tài liệu tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho phạm nhân chưa được cấp phát. Tính chất các vụ án ngày càng phức tạp trong khi các văn bản hướng dẫn liên quan đến giải quyết án chưa kịp thời; chỉ tiêu biên chế chưa được bổ sung. Việc xét miễn giảm thi hành án còn nhiều bất cập; một số đối tượng phải thi hành án khó khăn về kinh tế, thuộc hộ nghèo, không có tài sản, nguồn thu nhập để thi hành án.
UBND huyện Điện Biên đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản, Nghị định hướng dẫn liên quan để thống nhất thực hiện trong tình hình mới hiện nay. HĐND các cấp nâng cao vai trò giám sát tư pháp, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và trách nhiệm trong công tác xét xử cũng như công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan có liên quan. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trong các cuộc kiểm sát về giam giữ và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Thường xuyên có văn bản, tài liệu hướng dẫn phục vụ cho công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật; bổ sung nhân lực, kinh phí hỗ trợ hoạt động các đơn vị liên quan…
Trên cơ sở trao đổi, phân tích giữa thành viên đoàn giám sát với các cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương, nhiều khó khăn đã được làm rõ. Thay mặt tổ giám sát, đồng chí Lò Thị Bích, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất giải pháp liên quan của huyện; tổ sẽ tiếp thu, tổng hợp để trình HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét.
Trước đó, tổ công tác đã giám sát thực tế tại UBND các xã: Thanh Yên, Thanh An và Nhà tạm giữ Công an huyện Điện Biên.