Không khoan nhượng với tội phạm buôn bán người

14:24 - Thứ Ba, 05/11/2024 Lượt xem: 2895 In bài viết

Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn buôn bán người để lại hậu quả khôn lường, vì vậy cần có sự chung tay của toàn xã hội trong công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Các đối tượng mua bán người bị Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố và ra lệnh tạm giam.

Thủ đoạn tinh vi

Mặc dù không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người ở Hà Nội vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Công an thành phố Hà Nội cho biết, với thủ đoạn giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” hoặc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”, nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn người…

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, vừa qua, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng Lưu Trường An (sinh năm 2002, ở huyện Mê Linh, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Sáng (sinh năm 1979, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi mua bán người. Trước đó, đầu tháng 12-2023, An bàn với Sáng lên mạng xã hội Facebook đăng thông tin tuyển người sang Campuchia để làm việc, với mức lương được trả là 25 triệu đồng/tháng. Sáng và An đã kết nối với các đối tượng người Việt Nam đang làm việc ở Campuchia để thỏa thuận về tiền công đưa người sang Campuchia với mức giá 500 USD/người.

Có nạn nhân đọc được bài đăng tuyển lao động trên nên đã nhắn tin cho An và được đối tượng tư vấn sang Campuchia làm công việc về máy tính. An và Sáng cùng đồng bọn và nạn nhân vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, sau đó đưa đến một công ty. Tại đây, công việc của nạn nhân là gọi điện cho người Việt Nam để lừa đảo. Khi không đáp ứng được yêu cầu công việc, nạn nhân bị đánh đập và buộc gọi điện yêu cầu người thân gửi tiền chuộc mới được về nhà. Đây là một trong nhiều vụ việc mà lực lượng công an Thủ đô đã đấu tranh làm rõ trong thời gian qua.

Triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Hà Nội có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua, nối liền với nhiều tỉnh, thành phố… Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138) xác định, đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội qua phương thức trung chuyển trên các tuyến biên giới hoặc ra nước ngoài nên đã xác lập các chuyên án đấu tranh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, xử lý 7 vụ án, khởi tố 17 bị can về hành vi mua bán người, trong đó có 3 vụ án mua bán người ra nước ngoài…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, cùng với công tác đấu tranh với tội phạm, lực lượng công an đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân nhận biết, tránh mắc bẫy của loại tội phạm này. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết, mỗi người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ chính mình và người thân; cần tham khảo ý kiến của mọi người trong gia đình và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

Đặc biệt, các bạn trẻ cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc người quen đi làm xa trở về, hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cần tìm hiểu kỹ trước những lời hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình; thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ.

Hướng đến chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội nhằm giảm nguy cơ, giảm tội phạm mua bán người, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thực tiễn đấu tranh cho thấy, tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân, mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Do đó, thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Cùng với đó, các đơn vị quán triệt quan điểm phòng, chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ việc làm, giảm nghèo…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top