Con gây tai nạn giao thông, cha mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự?

15:51 - Thứ Sáu, 08/11/2024 Lượt xem: 2568 In bài viết

Trong bối cảnh giao thông ngày càng trở nên phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến thanh thiếu niên đang là một vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của các em mà còn đặt các bậc phụ huynh vào vòng lao lý. Điều đáng lưu ý là nhiều phụ huynh vẫn vô tư giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện, dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Ảnh minh họa: vietnamnet.vn

Thực trạng TNGT liên quan đến học sinh, pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ về hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy. Trong trường hợp xảy ra tai nạn gây thiệt hại cho người khác, cha mẹ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức án tối đa lên đến 7 năm tù.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh vì lý do bận rộn hoặc muốn tạo điều kiện thuận lợi cho con cái đã "vô tư" giao xe cho trẻ.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 694 vụ TNGT, làm chết 291 người và bị thương 597 người. Đặc biệt, có đến 113 vụ tai nạn liên quan đến học sinh, gây ra 21 ca tử vong và 103 ca bị thương. Những con số này đã phần nào phản ánh sự gia tăng nguy cơ TNGT đối với thanh thiếu niên.

Lực lượng chức năng cũng xử lý nghiêm các phụ huynh giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển; học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh…

Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra chỉ vì việc cha mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi. Chị Nguyễn Thu Hiền ở huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết: “Con tôi phải đi học xa hơn 7 km, thấy thương nên tôi cho cháu mượn xe máy. Tôi biết cháu chưa có bằng lái nhưng vì hoàn cảnh nên đành phải như vậy.”

Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, cũng cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.195 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm. Phạt trên 600 triệu đồng; phạt giao xe cho người không đủ điều kiện trên 700 trường hợp. Trong tháng cao điểm, từ ngày 1/10 đến nay đã xử lý 169 trường hợp vi phạm, phạt trên 100 triệu đồng. Thực hiện tháng cao điểm, lực lượng CSGT chú trọng xử lý các hành vi: Không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều, bấm còi, rú ga, lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép...Đặc biệt, từ đầu năm đến nay có trên 30 học sinh bị chết và bị thương do TNGT. Điển hình là vụ TNGT xảy ra khoảng 14h20 ngày 17/10, Nguyễn Duy H điều khiển xe máy lưu thông trên QL 279 chở theo 2 bạn là Phạm Thành N và Nguyễn Mạnh D (cả 3 đều SN 2010, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Trới, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), làm 2 cháu D và N tử vong tại chỗ. 

Hậu quả của việc giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi không chỉ dừng lại ở các vụ tai nạn mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cả gia đình. Những vụ tai nạn thương tâm để lại nỗi đau, sự hối tiếc cho các bậc phụ huynh, đồng thời có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Nhiều phụ huynh đã phải đối mặt với án phạt nặng nề khi con mình gây ra tai nạn nghiêm trọng.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự cho biết: “Việc không nắm rõ quy định pháp luật là một trong những lý do khiến cha mẹ dễ dàng giao xe cho con khi chưa đủ tuổi. Họ cần hiểu rằng hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho con mình mà còn có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự.”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một phần đến từ nhận thức của phụ huynh về trách nhiệm của mình trong việc quản lý con cái. Nhiều bậc phụ huynh không hiểu rõ quy định pháp luật hoặc chủ quan cho rằng "tai nạn sẽ không xảy ra với con mình". Thực tế cho thấy, sự nuông chiều và thiếu sự giám sát từ gia đình có thể dẫn đến những quyết định sai lầm trong việc cho phép trẻ tham gia giao thông.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ:

Phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Các hoạt động giáo dục pháp luật về giao thông cần được tổ chức thường xuyên, tiếp cận đến từng gia đình.

Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các bậc phụ huynh vi phạm quy định giao xe cho trẻ em, đồng thời thông báo rõ ràng về hậu quả pháp lý có thể xảy ra.

Phụ huynh cần chủ động tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật và quản lý con cái trong việc điều khiển phương tiện giao thông.

Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương để quản lý và giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên đang là vấn đề cần được giải quyết một cách nghiêm túc. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục và quản lý con cái, không giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi hoặc điều kiện tham gia giao thông.

Mỗi vụ tai nạn không chỉ là một con số thống kê mà còn là nỗi đau, sự mất mát của cả gia đình và xã hội. Việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp hình thành những công dân có trách nhiệm và góp phần tạo dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top