Y tếPhòng, chống Covid-19

Thần tốc hơn nữa bao phủ vắc xin theo nguyên tắc “an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả”

13:25 - Thứ Năm, 20/01/2022 Lượt xem: 5919 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (20/1), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 với trên 700 điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021. Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch Covid-19 để tăng tốc chuyển đổi số trong ngành y tế. Bộ Y tế xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 bộ có cung cấp dịch vụ công. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử; xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn, khám chữa bệnh từ xa... Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Bộ Y tế được đánh giá là một trong 2 bộ đầu tiên thực hiện nghiêm chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu chất lượng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 16/1/2022, cả nước ghi nhận 2.023.546 ca mắc, 1.727.290 người đã khỏi bệnh. Về công tác tiêm chủng, đến nay cả nước đã tiêm được 168.003.163 liều, đạt 89,6% số vắc xin phân bổ qua 119 đợt. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tiêm đủ 2 liều vắc xin là 94% dân số từ 18 tuổi trở lên. 60/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên (39 tỉnh, thành phố đạt trên 95%). Tiêm chủng vắc xin cho đối tượng từ 12 - 17 tuổi, đã tiêm được 14.669.647 liều (8.108.131 liều mũi 1 và 6.561.516 liều mũi 2). Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 91% và 2 liều là 73,7%. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu WHO khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.

Năm 2022, để hoàn thành mục tiêu chung phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam... Ngành Y tế đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo từng lĩnh vực cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Ngành Y tế tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến ngành Y tế. Cụ thể hóa chương trình phòng, chống dịch năm 2022, 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch; tập trung nâng cao hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Nắm chắc dự báo tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là các chủng mới Omicron. Thần tốc hơn nữa bao phủ vắc xin theo nguyên tắc “an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả” theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát dịch bệnh thâm nhập qua đường biên giới trên bộ, trên biển, hàng không nhưng phải khoa học, hợp lý, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng cực đoan. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở; hoàn thiện quy định, quy chế về kiểm soát, chống tiêu cực, tham nhũng...

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top