Y tếPhòng, chống Covid-19

Lỗ hổng xử lý rác thải F0 điều trị tại nhà

16:21 - Thứ Sáu, 18/03/2022 Lượt xem: 7293 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến ngày 17/3 toàn tỉnh có 21.700 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó gần 19.000 bệnh nhân điều trị tại nhà. Riêng địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã có trên 5.800 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Với số lượng lớn F0 này thì vấn đề xử lý rác thải được dư luận đặc biệt quan tâm. Mỗi phường được bố trí tối thiểu 5 thùng đựng rác thải nguy hại có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Tuy nhiên vào khung giờ tập kết rác, trước khi xe chở rác đến thu gom, nhiều thùng rác thải nguy hại vẫn gần như trống không, chỉ vài ba túi rác chưa đến nửa thùng. Vậy rác thải nguy hại đang được phân loại, thu gom, xử lý như thế nào?

Cán bộ phường Him Lam dán giấy thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, được bố trí bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Cái khó “bó” công tác xử lý rác thải

Đã nhiều ngày liên tục từ đầu tháng 3 tới nay, TP. Điện Biên Phủ ghi nhận trên dưới 1.000 ca Covid-19 mỗi ngày, cao điểm có ngày lên đến hơn 1.500 bệnh nhân. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, mỗi ngày 1 F0 thải ra khoảng 300gram rác. Nếu chia đều số bệnh nhân điều trị tại nhà cho 7 phường của thành phố, thì mỗi phường có trên 850 người, thải ra trên 250kg rác mỗi ngày. Hiện mỗi phường phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên bố trí tối thiểu 5 thùng chứa rác thải nguy hại tại các khu dân cư. Với số F0 tăng hàng ngày và rải rác khắp các tổ dân phố, bản, số thùng rác và vị trí đặt thùng vẫn chưa đủ đáp ứng tình hình.

Theo quy định của Bộ Y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ, được coi là chất thải lây nhiễm. Tại tổ dân phố 9, phường Tân Thanh có 4 tổ dân cư với 181 hộ, hiện có gần 200 F0 điều trị tại nhà nhưng chỉ có 1 thùng đựng rác thải nguy hại. Thùng rác này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của 1 khu vực dân cư – 1 tuyến đường, với gần 30 hộ có bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Ông Nguyễn Văn Kế, Tổ trưởng tổ dân phố 9 xác nhận: “Thùng rác này chỉ có một số hộ dọc trục đường sử dụng, còn các cụm dân cư khác, tuyến đường khác của tổ dân phố vẫn để rác trước cửa nhà cho công nhân vệ sinh môi trường đến thu chung với rác thải sinh hoạt”.

Phường Tân Thanh là một trong những địa bàn có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Phường có khoảng 2.000 F0 điều trị tại nhà, thuộc 10/10 tổ dân phố. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Tân Thanh, cho biết: “Ngoài 5 thùng đựng rác thải nguy hại do Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng bố trí thì phường trích tiền mua thêm 6 thùng đặt ở trụ sở UBND phường, các tổ dân phố. Phường chỉ đạo, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về phân loại, thu gom rác, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch...”.

Với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng, phương án ban đầu thu gom, xử lý rác là có xe thu gom riêng các thùng rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, vào khung giờ cố định 7 – 9 giờ các ngày thứ 2, 4, 6, chủ nhật hàng tuần, và thực hiện phun khử khuẩn các thùng rác. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, vật lực, Công ty đã không thực hiện được phương án đó. Ông Hoàng Gia Chính, Đội trưởng Đội Vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng, cho biết: “Nhiều nhân viên Công ty bị nhiễm Covid-19, nhân lực không đảm bảo để thực hiện thu gom riêng các thùng rác thải nguy hại. Vì thế các thùng rác này được thu gom chung hàng ngày với rác thải sinh hoạt và vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải thực hiện đốt ngay. Các hóa chất khử khuẩn cũng chưa có điều kiện bố trí”.

Trước thực trạng thiếu thốn nhân lực thu gom, xử lý rác thải nguy hại, thì ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt các gia đình có F0 điều trị tại nhà có vai trò quyết định trong việc phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên không có sự giám sát chặt chẽ, chế tài xử phạt liên quan đến vấn đề này, nên việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Còn chủ quan trong phân loại rác thải

Khi đăng ký điều trị tại nhà, các bệnh nhân Covid-19 TP. Điện Biên Phủ đều phải cam kết thực hiện đúng các biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh và nhận tờ hướng dẫn về quản lý chất thải. Trong đó ghi rõ “Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng này phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2””. Quy định này nhằm tránh rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài, hạn chế phát tán mầm bệnh, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân vệ sinh môi trường chỉ những túi rác có chứa rác thải nguy cơ cần được phân loại để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ phường Him Lam đến phường Nam Thanh có khoảng 10 thùng chuyên dụng đựng rác thải nguy hại màu xanh hoặc vàng, có nắp đậy. Cuối giờ chiều hàng ngày đi dọc tuyến đường dễ dàng nhận thấy, trong khi các điểm tập kết rác chứa đầy rác thải sinh hoạt thì thùng rác thải nguy hại để cạnh chỉ có vài túi chạm đáy. Các tuyến đường trong khu dân cư những thùng rác đựng rác thải nguy hại cũng tình trạng tương tự.

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng, chia sẻ: “Tôi thu gom rác trên tuyến đường phía trong, song song với đường Trường Chinh, đi qua 3 tổ dân phố và nhiều tuyến nhánh thuộc phường Tân Thanh. Khu vực tôi phụ trách có rất nhiều nhà dán biển nhà có F0 điều trị tại nhà. Trong túi rác thải thu gom trước cửa nhà, cổng của người dân thường xuyên có que test, khẩu trang, gang tay... thậm chí que test Covid-19 nổi 2 vạch. Mà họ không phân loại cẩn thận, cũng không đựng 2 lớp túi bóng vàng buộc kín miệng theo đúng quy định, để dễ phân biệt hoặc ghi giấy đánh dấu. Không chỉ 1 nhà mà rất nhiều nhà có F0 để rác trước cửa như vậy. Cả tuyến tôi làm chỉ có 1 thùng rác thải nguy hại, trong khi xung quanh có rất nhiều nhà có bệnh nhân Covid-19, nhưng hàng ngày trong thùng có rất ít rác. Đi làm thế này lo lắm nhưng vẫn phải cố gắng và tự giữ gìn cho bản thân thôi”.

Chị Đặng Thị Huê thực hiện quét dọn, thu góm rác thải nhiều tuyến đường thuộc phường Nam Thanh cũng chia sẻ tương tự: “Nhà dán giấy điểm cách ly phòng dịch nhưng rác vẫn để lẫn lộn trong xô, rồi đổ ụp chung vào xe rác chúng tôi đẩy đi tiếp cả đoạn đường dài, có nguy cơ không chứ!”. Chị nhẩm tính, cả phường chỉ có 5 thùng rác thải nguy hại. Cả khu vực hàng chục, thậm chí trăm hộ có F0 dùng chung 1 thùng rác, nhưng hàng ngày lại chỉ lèo tèo mấy túi rác, thì số rác còn lại có thể đã lẫn trong rác thải sinh hoạt. “Thiếu người làm nên tôi phải nhận thêm một số tuyến đường. Tự mình phải trang bị 2 lớp khẩu trang, găng tay, xịt khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho mình thôi” - chị Huê chia sẻ thêm.

Có những người dân chưa ý thức tốt về phòng, chống dịch, phớt lờ các quy định về phân loại, xử lý rác thải, nhưng cũng còn nhiều hộ dân không được phổ biến đầy đủ về công tác này. Gia đình chị H.H.Y., tổ dân phố 1, phường Him Lam có 5 F0 điều trị tại nhà. Vì thế mỗi ngày gia đình chị thải ra trung bình khoảng 3kg rác. Khi đăng ký điều trị tại nhà, gia đình đã cam kết tuân thủ các quy định xử lý rác thải. Tuy nhiên không được ai thông báo để rác ở đâu, vào giờ nào. Chị H.H.Y. chia sẻ: “Chúng tôi chủ động đựng rác trong 2 lớp túi bóng buộc kín miệng theo hướng dẫn. Gia đình còn 1 người F1, nên hàng ngày tiện khi nào ra ngoài thì mang rác ra điểm tập kết trước cổng Ký túc xá du học sinh Lào (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) – nơi cũng đang là điểm cách ly y tế của Trường. Ở đây có 2 thùng rác có nắp đậy, tuy nhiên nếu mang rác ra vào cuối giờ chiều thì ngày nào cũng đầy ứ, không đóng được nắp đậy, phải để ở ngoài”.

Bởi những yếu tố trên, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ vẫn chưa được triển khai triệt để, chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Các cấp, ngành chức năng, đơn vị liên quan cần có giải pháp thực hiện, phối hợp, giám sát thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Mỗi bệnh nhân Covid-19, hộ dân có F0 điều trị tại nhà cần nhận thức rõ mối nguy hại từ rác mà bản thân, gia đình mình thải ra hàng ngày, để nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top