ĐBP - Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Có những ngày phát hiện trên 3.000 ca nhiễm mới, trong đó hàng nghìn ca trong cộng đồng. Thế nhưng hiện nay tình hình dịch đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là nền tảng để tỉnh quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo tiền đề cho doanh nghiệp, người dân trở lại sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta mất cảnh giác, lơ là với dịch bệnh.
Tại các cơ sở giáo dục, thực hiện song song giữa phòng dịch an toàn và dạy học đảm bảo chất lượng. Toàn huyện Nậm Pồ hiện có 45 trường học ở 4 cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT với hơn 20.000 học sinh. Dịch bệnh đã xâm nhập vào hầu hết các trường học trên địa bàn huyện. Để đảm bảo cho việc dạy học không bị gián đoạn, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành, huyện Nậm Pồ đang dựa trên tình hình thực tế từng thời điểm, chỉ đạo mỗi đơn vị trường học tự chủ động trong phòng dịch, bố trí, phân luồng các khu vực cách ly, điều trị và tổ chức học tập theo mô hình khép kín tại trường. Trường Phổ thông DTNT THPT Nậm Pồ là đơn vị có cơ sở vật chất đặc biệt khó khăn, trong khuôn viên rất chật chội do đang sử dụng chung cơ sở vật chất của Trường Phổ thông DTBT THCS Nà Hỳ với hơn 800 học sinh của 2 trường đang sinh hoạt, học tập chung. Do đó, khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, trường đã tập trung khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng dựng lên các khu kí túc xá tạm ở nhà xe, sân bóng, khuôn viên trường để giãn cách tối đa học sinh, đảm bảo không gian thông thoáng cho học sinh học tập, sinh hoạt bình thường. Thầy Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT Nậm Pồ cho biết: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên dịch cũng đã xâm nhập vào nhà trường. Nhà để xe, sân bóng chuyền đã được chúng tôi dựng tạm bằng tre, bạt làm kí túc xá tạm thời để giãn cách học sinh, làm sao đảm bảo thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm. Thầy trò đã khắc phục khó khăn, tận dụng mọi không gian để giãn cách tối đa. Những học sinh F0 hay F1 nguy cơ cao, chúng tôi đã bố trí cho ở một khu cách ly riêng và bố trí thầy cô giáo chăm sóc, theo dõi tình sức khỏe hàng ngày. Từ khi dịch bùng phát đến nay, trường vẫn tổ chức giảng dạy, học trực tiếp cả 3 khối lớp 10, 11 và 12”.
Còn với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hiện đang là mùa cao điểm du lịch nên việc áp dụng linh hoạt những biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới là hết sức cần thiết. Khu du lịch sinh thái Him Lam, từ sau tết Nguyên đán đến nay lượng khách đã dần ổn định trở lại. Đặc biệt dịp tháng 3 vừa qua, lượng khách luôn duy trì ở mức 70 - 80% số phòng. Đó là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi du lịch, nhưng cũng đặt ra vấn đề an toàn phòng dịch khi tiếp đón các đoàn khách từ khắp nơi. Anh Vũ Khắc Quang, Phòng Kinh doanh, Khu du lịch sinh thái Him Lam chia sẻ: Lượng khách tăng trở lại vì một phần hiện nay hầu như đều đã được tiêm phòng đầy đủ, không còn quá quan ngại dịch bệnh hoặc với khách miền Nam họ đã trải qua dịch bệnh rồi nên phản ứng của họ cũng bình thường hơn. Dẫu vậy, để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời điểm dịch bệnh căng thẳng khách đến từ các vùng cao điểm cần yêu cầu đã tiêm 2 mũi trở lên, đủ điều kiện di chuyển các phương tiện công cộng; đồng thời cần có ứng dụng PC Covid-19 hoặc Sổ sức khỏe điện tử để lễ tân quét mã QR. Đối với nhân viên khách sạn thì thường xuyên được kiểm tra sức khỏe. Như dịp đầu tháng 3 vừa qua, mỗi tuần test nhanh 1 lần, ai “2 vạch” sẽ được nghỉ tại nhà để điều trị. Còn khẩu trang, nước sát khuẩn và tuân thủ 5K là những yêu cầu bắt buộc và gần như trở thành thói quen của nhân viên. Xây dựng được điểm đến an toàn thì có thể thu hút đông khách hơn nữa đến với Điện Biên. Hiện nay, hướng của Khu du lịch là tiếp tục xây dựng những tour cho khách về nguồn, khám phá Điện Biên. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các công ty lữ hành, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nơi có tuyến bay thẳng Điện Biên; tăng cường quảng bá về Khu du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Dẫu vậy, hiện nay còn cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ giữ tâm thế thận trọng, chưa mở cửa trở lại hoặc hoạt động cầm chừng, quy mô nhỏ. Với họ lúc này an toàn trước dịch bệnh vẫn là điều quan trọng hơn cả. Bản văn hóa Him Lam II, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) là điểm nhiều du khách thường nhắc tới khi muốn trải nghiệm các nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Sức hút là vậy, nhưng hiện nay, bản vẫn chưa dám nhận các đoàn khách đông, nhất là các đoàn khách ngoại tỉnh do e ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Ông Lường Văn Chựa, Trưởng bản Him Lam II chia sẻ: Đầu tháng 3 vừa qua dịch bùng phát mạnh, cả bản gần như ai cũng mắc Covid-19. Lại có mấy trường hợp có bệnh nền trở nặng, phải đi cấp cứu nên tâm lý bà con vẫn còn lo ngại trước dịch bệnh. Trước mắt là đảm bảo an toàn sức khỏe, khi nào tình hình bớt “nóng” thì mới mở rộng cửa đón khách. Còn hiện nay nhà tôi vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, bao gồm cả bán mang về. Còn đón khách thì chưa dám nhận quá 5 mâm, bố trí ngồi thoáng, thưa giữa các mâm. Vừa rồi có mấy đoàn khách Hà Nội, Hải Phòng có liên lạc muốn đặt mâm nhưng tôi hẹn lại khách dịp gần nhất thôi…
Không lơ là chủ quan nhưng cũng không hoang mang lo lắng thái quá, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh cần có những giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Để dần khôi phục các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất, kinh doanh thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.