Y tếPhòng, chống Covid-19

Tiếp tục giám sát, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

07:08 - Chủ Nhật, 02/04/2023 Lượt xem: 6268 In bài viết

Hiện nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nước ta vẫn ghi nhận rải rác trường hợp mắc mới. Thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan nhanh hơn và giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến số ca mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh DUY TUÂN)

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 21/3/2023, thế giới đã ghi nhận hơn 682 triệu ca mắc và hơn 6,8 triệu ca tử vong. Đáng chú ý, trong một tháng qua (từ ngày 13/2 đến 12/3), thế giới ghi nhận gần 4,1 triệu ca mắc mới và 28 nghìn ca tử vong. Ngày 27/1/2023, Tổ chức Y tế thế giới vẫn tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

Ngày 17/3/2023, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, cần tiếp tục đánh giá xem vi-rút SARS-CoV-2 có tiếp tục biến đổi hay không; tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin tới từng người dân, nhất là ở các nước kém phát triển. Tính từ đầu dịch đến ngày 27/3/2023, Việt Nam ghi nhận 11.527.220 ca nhiễm Covid-19, trong đó 10.614.943 ca đã khỏi. Gần ba tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 43.186 ca (chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm).

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua, các chuyên gia lĩnh vực y tế cho biết: Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới Covid-19.

Thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát. Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng “Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế” để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra, với một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gien nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của vi-rút cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả của thuốc. Đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp số ca mắc Covid-19 tăng cao; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh. Tăng cường truyền thông về biện pháp phòng, chống dịch tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19; trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh.

Ngoài ra, để bảo vệ hiệu quả sức khỏe cộng đồng, cần duy trì tỷ lệ miễn dịch cao và rộng khắp. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin ở mức cao trong nhiều năm qua. Đây là yếu tố quan trọng để thanh toán loại trừ và khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng; thủ tục cung ứng vắc-xin tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ do các đơn vị y tế công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý gặp một số vướng mắc. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong việc mua vắc-xin phục vụ nhu cầu người dân…

Mặt khác, Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch, trong trường hợp tiêm chậm, muộn thì cần được tiêm bù mũi càng sớm càng tốt mà không phải tiêm lại từ đầu; đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ngoài các vắc-xin dịch vụ, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mọi trẻ em đều có quyền được tiêm chủng miễn phí các vắc-xin trong chương trình này. Cha mẹ có thể đưa con đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để trẻ được tiêm kịp thời; cần chú ý, các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm.

Theo báo cáo của các địa phương, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản… trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Nếu không được tiêm kịp thời, trẻ sẽ không có miễn dịch phòng bệnh, làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm đã lưu hành ở nước ta như sởi, bạch hầu, viêm não Nhật Bản... thời gian tới.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top