Y tếPhòng, chống HIV

Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

08:36 - Thứ Hai, 28/11/2022 Lượt xem: 28200 In bài viết

ĐBP - Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Một buổi tập huấn về tư vấn, phân phát và hướng dẫn sử dụng vật phẩm phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng.

Tính đến hết tháng 9/2022, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là hơn 7.670 trường hợp, trong đó số còn sống quản lý được 3.438 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS là 5.503 người, lũy tích tử vong 4.013 người. Hiện 10/10 huyện, thị, thành phố với 120/129 xã, phường, thị trấn đều có người nhiễm HIV/AIDS. Xác định truyền thông là giải pháp quan trọng hàng đầu, không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV, các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của toàn xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bác sĩ chuyên khoa I Lò Thị Tố Khuyên, Phó trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Để công tác truyền thông đạt hiệu quả, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, soạn thảo tài liệu đảm bảo chuyển tải thông tin, nội dung về HIV/AIDS mới nhất, chính xác nhất và phù hợp với các địa bàn triển khai dịch vụ can thiệp mới; phù hợp với bối cảnh và tình hình phòng, chống dịch Covid-19 cũng như văn hóa truyền thống của địa phương. Khoa tập trung phối hợp với Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe và trung tâm y tế các huyện tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho người có nguy cơ cao và người dân trong cộng đồng. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp tổ chức 13 buổi truyền thông trực tiếp về HIV/AIDS cho gần 330 người có nguy cơ cao và người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh qua đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, tuyên truyền viên đồng đẳng, y tế thôn bản; truyền thông qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được câu lạc bộ của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MMS) với khoảng 120 thành viên. Câu lạc bộ đã tích cực tuyên truyền, chia sẻ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; duy trì các hoạt động cấp phát bao cao su và chất bôi trơn cho các thành viên; là đầu mối vận động các ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế và tinh thần cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Tại một số địa phương còn duy trì và thành lập được câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại các xã, phường để triển khai các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chuyên môn nhóm, tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Thông qua các chương trình, dự án, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về phòng, chống HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, Ngành đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn và hội thảo về can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, hướng dẫn điều trị chăm sóc HIV/AIDS, xét nghiệm sàng lọc HIV... cho gần 560 người là cán bộ chuyên trách HIV/AIDS các huyện, nhân viên y tế thôn bản, tuyên truyền viên đồng đẳng, đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam. Ngành Y tế cũng thực hiện hiệu quả hoạt động can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn như: Cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su và chất bôi trơn cho các đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam, gái bán dâm, vợ/bạn tình người có HIV. Tính đến hết tháng 9, tổng số bơm kim tiêm sạch được cấp phát là hơn 266.340 chiếc, số bơm kim tiêm bẩn được thu gom 204.419 chiếc, cấp phát 65.154 bao cao su và 8.682 gói chất bôi trơn; trung bình một người nghiện chích ma túy trong 9 tháng đầu năm nhận được 16,3 bơm kim tiêm/tháng.

Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh ta đã đạt những kết quả quan trọng. Số người nhiễm HIV mới, số người tử vong đều giảm so với năm 2021, không có trẻ em nhiễm HIV mới. Đáng nói, nhận thức của người dân về nguy cơ, các đường lây truyền và các biện pháp phòng tránh HIV đã được nâng cao; giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử của những người xung quanh với người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, ngành và xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận
Back To Top