Năm 2023, số người phát hiện HIV mới tại Việt Nam cao hơn năm 2022. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng PrEP vượt quá 65.000 người vào năm 2023.
Theo Bộ Y tế, năm 2023, Việt Nam ghi nhận 12.800 trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới, 1.507 ca tử vong. So với năm 2022, số người nhiễm HIV mới tăng hơn 1.700 trường hợp.
Số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống trên cả nước là 233.681 trường hợp; tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong lũy tích là 114.079 trường hợp.
Cả nước hiện có 175.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV (thuốc kháng HIV), trong đó có 3.061 trẻ em. Số bệnh nhân điều trị ARV có BHYT là 153.210 người.
Từ lây truyền HIV do tiêm chích ma tuý là chính, vài năm gần đây, lây nhiễm HIV đã chuyển dịch sang quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt gia tăng mạnh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Cấp phát thuốc Methadone hàng ngày tại Trung tâm Y tế.
Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế, Việt Nam dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K (không phát hiện = không lây truyền) và cũng là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS) hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động K=K.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng vượt quá 65.000 người vào năm 2023, đồng thời, trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, đã có tổng cộng 96.500 người tham gia chương trình. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong 3 tháng.
Để khống chế dịch HIV/AIDS và tiến tới chấm dứt căn bệnh thế kỷ này, Bộ Y tế tăng cường mở rộng điều trị ARV, dịch vụ cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV cho người nhiễm. Qua đó, duy trì tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế trên 95%. Đẩy mạnh các hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP.
Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, có nhiều mô hình linh hoạt và đa dạng để triển khai PrEP, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng, mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP tại Việt Nam.
Để góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma tuý, chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai và mở rộng trong nhiều năm qua. Hiện, cả nước có hơn 51.000 người đang tham gia điều trị, trong đó hơn 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà.
Đồng thời triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV, người đang điều trị methadone nhiễm viêm gan C giai đoạn 2023-2024. Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV, trong suốt quá trình tham gia điều trị, đến khi người nhiễm HIV tử vong.
Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm, để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.