ĐBP - Đầu tháng 5 đến nay, mưa kéo dài khiến nhiều khu vực thuộc các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khẩn trương hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng nguy cơ sụt, sạt.
Mấy ngày qua, xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn gây ra. Gần 30 hộ, 149 nhân khẩu thuộc 2 bản: Nậm Tin 1 và Huổi Đáp phải di dời chỗ ở khẩn cấp. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Cuối tháng 5 vừa qua, do mưa lớn nhiều ngày khiến khu vực bản Nậm Tin 1, đặc biệt là bản Huổi Đắp xuất hiện tình trạng sụt lún, đứt gãy nền đất tạo nên cung trượt, sạt dài hơn 150m. Sau khi khảo sát, đánh giá tình hình, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cắm cọc, biển báo khoanh vùng sạt lở, cảnh báo nguy cơ; đồng thời huy động hàng trăm người gồm các lực lượng dân quân, công an, quân sự, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn nhanh chóng tháo dỡ nhà cửa, đồ đạc, vật dụng giúp các hộ dân đến nơi an toàn. Đến nay, việc di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ sụt sạt đến nơi ở mới (cách khu vực sạt lở khoảng 800m) đã được hoàn tất.
Cũng do mưa lớn kéo dài, đêm 24/5 vừa qua, tại bản Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến 2 người thương vong. Bà Mùa Thị Lỳ, người dân trong bản nhớ lại: Chừng gần 10 giờ tối 24/5, mọi người đang ở trong nhà bỗng nghe tiếng ầm ầm, khi chạy ra xem thì thấy nhiều đất đá từ trên vách núi tràn xuống khu vực dân sinh sống, trong đó vùi lấp 1 ngôi nhà khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã Huổi Lèng có 2 bản: Huổi Toóng 1 và Huổi Toóng 2 với tổng số 98 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Trong số 98 hộ, có 50 hộ nằm thuộc diện nguy cơ cao, 9 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 1 người tử vong, cấp ủy, chính quyền xã Huổi Lèng đã vận động, đồng thời huy động các lực lượng hỗ trợ các gia đình chuyển đến ở nhờ người thân, họ hàng. Với một số gia đình khó khăn, không có người thân, xã bố trí ở tạm trường học tại trung tâm xã. Ông Thào A Phừ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sự việc xảy ra rất nhanh nên chính quyền địa phương đã huy động đông đảo các lực lượng để hỗ trợ người dân di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, việc di dời các hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở đến ở nhờ người thân hoặc các địa điểm mà xã bố trí chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, những hộ này cần được bố trí khu tái định cư ở ổn định cuộc sống. Hiện xã đã đề nghị UBND huyện cũng như các cơ quan có thẩm quyền sớm phương án hỗ trợ xây dựng khu tái định cư để các hộ dân trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở chuyển đến”.
Ngoài xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà), xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) toàn tỉnh còn nhiều xã cũng được đánh giá nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Điển hình như huyện Mường Chà có xã Mường Tùng, Huổi Lèng, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Mường Mươn, Na Sang; huyện Mường Nhé có Pá Mỳ, Mường Nhé, Chung Chải, Nậm Vì, Nậm Kè... Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên hiện nay, nhiều địa phương cơ bản mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người dân có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi ở tạm thời.
Qua tìm hiểu được biết, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh cần bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2019 và rà soát, điều chỉnh bổ sung thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bố trí tập trung 239 hộ, bố trí xen ghép 354 hộ và ổn định tại chỗ 27 hộ với tổng nguồn vốn dự kiến hơn 869 tỷ đồng (bao gồm bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai; vùng đặc biệt khó khăn và biên giới). Chủ trương là vậy, song Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã hết hiệu lực; trong khi giai đoạn mới đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp theo. Do đó, từ năm 2021 đến nay, các địa phương không có vốn thực hiện di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai.
Có thể nói, việc di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, nhất là trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ sụt sạt đang hiện hữu mỗi ngày đe dọa an toàn tính mạnh, tài sản của nhân dân, trong khi chờ nguồn vốn, cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân khỏi vùng sụt sạt; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân cần trang bị các kỹ năng phòng chống, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.